Hương ước góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở

Góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; đồng thời, kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của từng địa phương, bài trừ các hủ tục, là hiệu quả từ việc thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng trên địa bàn Hà Nội thời gian qua. Mặc dù vậy, một số địa phương vẫn chưa thật sự sát sao trong xây dựng, triển khai hương ước, quy ước. Để hương ước, quy ước phát huy hết hiệu quả, các địa phương cần cẩn trọng ngay từ quá trình xây dựng lẫn triển khai.
0:00 / 0:00
0:00
Thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng, người dân trên địa bàn huyện Hoài Đức tích cực tham gia hoạt động bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng, người dân trên địa bàn huyện Hoài Đức tích cực tham gia hoạt động bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Hương ước là những quy tắc cộng đồng dân cư do các làng quê đề ra, nhằm bổ khuyết những vấn đề trong các mối quan hệ xã hội mà pháp luật chưa đề cập đến; điều chỉnh hành vi của những thành viên trong cộng đồng. Những giá trị của hương ước tiếp tục được phát huy trong cuộc sống hiện đại. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh:

“Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố trong thời gian qua góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; giữ gìn, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp ở cơ sở; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương.

Việc thực hiện hương ước, quy ước còn góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh”. Để nâng cao hiệu quả của hương ước, quy ước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 về xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư. Nghị định có một số điểm mới, đòi hỏi phải thực hiện rà soát, bổ sung hay bãi bỏ những điều không phù hợp. Đây cũng là dịp để thành phố nhìn nhận lại những điểm tích cực, rút kinh nghiệm về những bất cập trong thực hiện hương ước, quy ước thời gian qua.

Thôn Trê, xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức) là địa bàn thuần nông, thuộc diện vùng xa của Hà Nội. Thôn Trê từ lâu đã có hương ước riêng. Thực hiện Nghị định số 61/2023/NĐ-CP, quy ước thôn Trê được đem ra thảo luận, sửa đổi. Trưởng thôn Bùi Văn Hải cho biết: “Để quy ước phát huy giá trị, chúng tôi xác định phải nghiêm túc ngay từ khâu xây dựng, bổ sung.

Ban soạn thảo là các cán bộ phụ trách công tác đảng, chính quyền, đoàn thể và một số cụ cao niên có am hiểu về truyền thống của làng, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có kinh nghiệm và hiểu biết về pháp luật, văn hóa, phong tục, tập quán của từng làng góp ý. Sau khi Ban soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung dự thảo quy ước, thôn tiếp tục tổ chức hội nghị toàn dân lấy ý kiến đóng góp và thông qua bản Quy ước trước khi trình cấp trên phê duyệt”.

Quy ước thôn Trê hiện có bốn chương với 23 điều, trong đó có những nội dung quan trọng như: Đề cao trách nhiệm của cộng đồng trong thực hiện khuyến học, khuyến tài; chọn một ngày đầu xuân để tổ chức liên hoan và giao lưu văn hóa văn nghệ, nghiêm cấm việc lợi dụng liên hoan, giao lưu các hoạt động văn hóa thể thao để tổ chức các hành vi vi phạm pháp luật… Quy ước cũng góp phần xóa bỏ những tập tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang; bảo đảm trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường. Kinh nghiệm của thôn Trê được nhiều nhà quản lý văn hóa đánh giá cao trong triển khai Nghị định số 61/2023/NĐ-CP.

Tại khu vực nội đô, Nghị định số 61/2023/NĐ-CP cũng được triển khai nghiêm túc, bài bản tại nhiều địa phương; các hoạt động sôi nổi nhất luôn diễn ra ở cơ sở. Bà Phùng Thị Kim Thoa, Tổ trưởng Tổ dân phố 28, Khu dân cư 20, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa đề xuất: “Để đáp ứng những yêu cầu của tình hình hiện nay, chúng ta phải nhìn vào thực trạng của xã hội đang phát triển mà gắn những nội dung phù hợp với từng giai đoạn, luôn đổi mới nội dung, hình thức, hiểu rõ địa bàn thực hiện, nội dung quy ước thì mới phát huy được những giá trị truyền thống ngàn đời ông cha ta để lại.

Bên cạnh đó, cần phải thường xuyên tập huấn trang bị những kiến thức cơ bản cho đội ngũ cán bộ tổ dân phố. Hiện nay, dân trí ngày càng cao, cán bộ cơ sở không chỉ nhiệt tình, mà còn phải có kiến thức, có uy tín mới có thể đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ”.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận địa bàn dân cư số 14, phường Thành Công (quận Ba Đình) Hoàng Thị Kim Ninh nhấn mạnh, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước phải phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và xuất phát từ nhu cầu tự quản của người dân. Quy ước, hương ước phải góp phần bảo vệ tài sản của Nhà nước, cộng đồng và công dân; bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội, thắt chặt tình làng nghĩa xóm…

Để nâng cao hiệu quả xây dựng, triển khai hương ước, quy ước, trong tháng 6/2024, Sở Văn hóa và Thể thao mở các buổi tập huấn Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư; tổ chức tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị. Đây là dịp để nhân rộng cách làm hay, rút kinh nghiệm những thiếu sót, khuyết điểm, để từ đó, hương ước, quy ước góp phần thiết thực xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.