Hướng tới tác động bền vững cho doanh nghiệp và người lao động

NDO - Ngày 22/11, Chương trình Better Work Toàn cầu và Better Work Việt Nam đã tổ chức Lễ ký Bản ghi nhớ và Họp khởi động chiến lược cấp cao Chương trình Better Work giai đoạn 2023-2027 với hình thức tổ chức trực tiếp và trực tuyến.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ ký Bản ghi nhớ và Họp khởi động chiến lược cấp cao Chương trình Better Work giai đoạn 2023-2027.
Lễ ký Bản ghi nhớ và Họp khởi động chiến lược cấp cao Chương trình Better Work giai đoạn 2023-2027.

Theo biên bản ghi nhớ mới ký giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), ngoài địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh lân cận, trong giai đoạn 2023-2027, Better Work Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại các địa bàn mới và một số ngành khác sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về tác động tiềm năng của việc mở rộng cũng như cách thức tác động.

Các báo cáo đánh giá của Better Work Việt Nam qua nhiều năm cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã cải thiện mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn lao động cơ bản của ILO và pháp luật lao động quốc gia về tiền lương, hợp đồng lao động, an toàn và sức khỏe lao động và thời giờ làm việc... Điều này không chỉ giúp cải thiện đáng kể điều kiện làm việc, mà đồng thời còn nâng cao năng suất và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Kể từ khi bắt đầu tại Việt Nam năm 2009, hơn 800 doanh nghiệp và gần 1 triệu lao động đã hưởng lợi từ Chương trình. Ngoài ra, hơn 60 khách hàng quốc tế cũng đã đăng ký tham gia chương trình này.

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của sự kiện, Better Work đã tổ chức phiên đối thoại với chủ đề “Khả năng chống chịu và phục hồi” và “Khả năng bền vững và Quy mô chiến lược”.

Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề như các tác động và dữ liệu do Better Work thu thập được trong 5 năm qua (2017-2022), từ đó giới thiệu về chiến lược mới của Better Work Toàn cầu và Better Work Việt Nam.

Đồng thời, các đại biểu tham gia đã chia sẻ quan điểm của họ về cách tiếp cận của Better Work và quá trình hợp tác với Chương trình trong thời gian qua, thảo luận tính bền vững, vai trò của mỗi bên trong chuỗi cung ứng ngành dệt may và da giầy, cũng như tác động lâu dài và tính lan tỏa của Chương trình.

Phát biểu ý kiến tại lễ ký kết, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhận định: Sau 14 năm hoạt động tại Việt Nam, các hoạt động của Chương trình Better Work được các đối tác ba bên đánh giá là phù hợp với mục tiêu quản lý lao động và hỗ trợ tích cực cho quá trình thúc đẩy thực thi pháp luật lao động tại Việt Nam.

Việc phối hợp giữa ba bên trong nước đã góp phần đẩy mạnh và phát huy được hiệu quả của Chương trình, qua đó tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cơ quan đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động.

“Các bên cùng nhau xây dựng một môi trường lao động hài hòa, ổn định, giúp Việt Nam thành nơi cung ứng có trách nhiệm và đáp ứng các quy tắc đạo đức hàng đầu trong ngành dệt may và da giày” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định.

Cũng trong khuôn khổ Lễ ký kết, Giám đốc ILO tại Việt Nam, bà Ingrid Christensen chia sẻ, hiệu quả của Chương trình Better Work Việt Nam đã chứng minh việc thúc đẩy đối thoại xã hội và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tại nơi làm việc chính là yếu tố then chốt để cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao thu nhập cho hàng trăm nghìn người lao động trong ngành may mặc và da giày.

Trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2023-2027, Chương trình Better Work sẽ tập trung vào các nhóm vấn đề ưu tiên, bao gồm đối thoại xã hội, bình đẳng giới và phát triển bao trùm, an toàn sức khỏe nghề nghiệp, dữ liệu và thông tin. Đồng thời, Chương trình sẽ thông qua đối tác để thúc đẩy các khía cạnh lao động liên quan đến vấn đề biển đối khí hậu, năng suất và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Mục tiêu cải thiện sự tuân thủ các tiêu chuẩn lao động dựa trên Luật Lao động Quốc gia và các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong các ngành xuất khẩu, mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành may mặc và da giày.

Tại Việt Nam, Chương trình đã được triển trên địa bàn 29 tỉnh, thành phố qua 3 giai đoạn kể từ năm 2009. Hiện tại, có hơn 440 doanh nghiệp và gần 750.000 lao động đang tích cực tham gia chương trình (trên tổng số hơn 800 doanh nghiệp và gần 1 triệu lao động đã hưởng lợi từ Chương trình kể từ khi bắt đầu hoạt động).