Năm 2021, làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục triệu lao động. Chỉ riêng trong quý III, người lao động bị tác động nhiều nhất, với 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; hơn 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm… Dẫn tới, thu nhập giảm, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao. Trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm quý III là 4,46%, với hơn 1,8 triệu người, tăng 1,86% so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98% với hơn 1,7 triệu người, tăng hơn 1,25% so cùng kỳ năm trước.
Hiệu quả từ các gói hỗ trợ an sinh
Trước thực tế nêu trên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhanh chóng ban hành và triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Chia sẻ về kết quả thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, Lê Văn Thanh cho biết: Tính đến thời điểm này, Nghị quyết 116/NQ-CP đã triển khai với tổng kinh phí thực hiện 27,24 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 27,62 triệu lượt đối tượng. Trong đó, có ba nhóm chính sách chính: Nhóm bảo hiểm hỗ trợ 5,38 nghìn tỷ đồng cho 375.809 đơn vị sử dụng lao động và 11,389 triệu lao động; Nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, đã hỗ trợ cho hơn 15,64 triệu đối tượng, với tổng kinh phí là 21,11 nghìn tỷ đồng, hơn 13,35 triệu lao động tự do và đối tượng đặc thù khác tại 58 tỉnh, thành phố được hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 17,14 nghìn tỷ đồng; Nhóm chính sách cho vay vốn đã giải ngân 479,5 tỷ đồng, hỗ trợ cho 1.449 doanh nghiệp để trả lương cho 209.280 lượt lao động.
Đáng chú ý, tính đến nay đã hỗ trợ bằng tiền cho 11,365 triệu lao động, với tổng số tiền hỗ trợ là 27,230 tỷ đồng (gói này dự kiến hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng) theo Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định 28-NQ/TW của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động cơ bản hoàn thành, giảm mức đóng cho hơn 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính điều chỉnh giảm đóng là 7.595 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành chính sách…
Doanh nghiệp và người lao động hưởng lợi
Đánh giá về các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động và người sử dụng lao động để vượt qua những khó khăn trong dịch Covid-19, Viện trưởng Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Vũ Minh Tiến cho biết: Qua gặp trực tiếp công nhân, người lao động tự do, có một nhận xét chung là các chính sách của Chính phủ và các cấp, các ngành đối với người lao động trong hai năm đại dịch vừa qua được tóm gọn trong “ba từ hơn” là: Các chính sách sau ngày càng kịp thời hơn, thiết thực hơn và thuận tiện hơn.
Theo Viện trưởng Vũ Minh Tiến, riêng hai gói hỗ trợ gần đây theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 116/NQ-CP, nhất là gói hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp, tất cả công nhân lao động và doanh nghiệp đều rất phấn khởi vì tính kịp thời và thủ tục thuận tiện. Hầu hết công nhân lao động và các doanh nghiệp đều đã tiếp cận được gói này. Đầu tiên tôi cũng rất hoang mang với mục tiêu 45 ngày nhưng đến nay về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu “tốc tiến, tốc thắng”.
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng chỉ đạo các cấp công đoàn trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kịp thời phát hiện những khó khăn để phản ánh, kiến nghị với các cấp, các ngành về các biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho các lao động gặp khó khăn, đặc biệt là các lao động yếu thế như lao động nữ di cư đang mang bầu, con nhỏ, lao động di cư, nhập cư mất việc làm…
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Lê Tiến Trường cũng cho rằng, việc triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ đã nhanh hơn, thực tế hơn. Cách thức triển khai hợp lý hơn, giảm chi phí và thời gian để xét duyệt. Việc xây dựng cơ chế dựa trên bảo hiểm thất nghiệp giúp giải ngân dễ dàng hơn, bảo đảm công bằng khi chỉ có người lao động của những doanh nghiệp có đóng đầy đủ bảo hiểm thất nghiệp được nhận hỗ trợ. Năm 2021, với Nghị quyết 68/NQ-CP, Tập đoàn Dệt may đã nhận được khoảng 140 tỷ đồng hỗ trợ, chiếm 60% số hồ sơ đề nghị. Riêng Nghị quyết 116/NQ-CP về hỗ trợ cho những người có đóng bảo hiểm thất nghiệp, doanh nghiệp đã nhận được 340 tỷ đồng trong số 345 tỷ đồng, tương đương giải quyết 95% số hồ sơ đề xuất. Việc này được triển khai nhanh và rất dễ dàng, thuận tiện do chỉ cần căn cứ theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Việc miễn, giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp cũng hỗ trợ Tập đoàn Dệt may tiết kiệm 17 tỷ đồng trong hai tháng thực hiện và sẽ lên đến 100 tỷ đồng trong 12 tháng.
Theo ông Lê Tiến Trường, thông qua các gói hỗ trợ này, điều quan trọng hơn là người lao động có thể hiểu rõ khi lựa chọn đơn vị sử dụng lao động có tham gia đầy đủ các chính sách của Nhà nước, để khi gặp các rủi ro thì họ nhận được sự hỗ trợ đầy đủ hơn. Các doanh nghiệp làm ăn minh bạch rất mong thị trường lao động diễn biến theo hướng này, tránh việc phải cạnh tranh với các doanh nghiệp không hoàn thành các trách nhiệm đầy đủ nhưng có lợi thế trong chi phí.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết ngày 16/11, đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 11.778.660 lao động (trong đó: đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 10.993.009 người; đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 785.651 lao động), với tổng số tiền hỗ trợ là 28,01 nghìn tỷ đồng.
Nguyên Khang