Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết, những năm gần đây tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi luôn đạt từ 4% đến 6%/năm, thu hút nhiều dự án đầu tư lớn. 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 359 triệu USD, xuất khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi hơn 784 triệu USD.
Nhiều tín hiệu tích cực
Sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu của nước ta bao gồm, sữa và sản phẩm sữa; thịt và sản phẩm thịt (thịt lợn sữa đông lạnh, chế phẩm từ thịt động vật, thịt gia cầm chế biến, trứng), các mặt hàng thịt khác (thịt trâu, bò, cừu, dê, phụ phẩm sau giết mổ…); tơ tằm, mật ong. Riêng với mật ong và các sản phẩm từ ong đã đến được hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất.
Việt Nam cũng đang sở hữu bộ giống gia cầm phong phú với các giống gia cầm siêu thịt, siêu trứng; giống từ nguồn nhập ngoại, nguồn gien quý trong nước và chọn tạo ra những dòng giống bản địa đặc trưng: Gà Ðông Tảo (Hưng Yên), gà mía Sơn Tây (Hà Nội), gà Tiên Yên (Quảng Ninh); các giống vịt có năng suất cao của Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp. Cả nước hiện có hơn 12 nghìn trang trại chăn nuôi, nhiều vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao tập trung ở các tỉnh Sơn La, Nghệ An, Lâm Ðồng; vùng chăn nuôi lợn, gia cầm tại đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Ðông Nam Bộ. Đó là chưa kể mô hình chăn nuôi tiên tiến của các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Vinamilk, Tập đoàn TH, Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam, Công ty cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam…
Thí dụ như Cụm trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín của Tập đoàn TH tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), có đàn bò 45 nghìn con (dự kiến sẽ lên đến 200 nghìn con vào năm 2025), áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại của các nước Israel, New Zealand, Nhật Bản, Hà Lan trong tất cả các khâu của quy trình khép kín từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch, sản lượng đạt 250 nghìn tấn sữa/năm. Nhờ đó, Tập đoàn đã nâng cao giá trị sản xuất trên một diện tích đất, từ 50 đến 100 triệu đồng/ha, lên 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng/ha. Mới đây, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam cũng đưa vào hoạt động dự án trại lợn quy mô 10.000 con nái tại xã Đắk Nhau (huyện Bù Đăng, Bình Phước).
Trại có diện tích 22 ha với tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng nhằm cung ứng con giống với chất lượng được kiểm soát tốt nhất cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo tiêu chuẩn châu Âu. Cùng với đó, ngành chăn nuôi còn xây dựng được các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi với sự tham gia của một số doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điển hình như Tập đoàn Hùng Nhơn liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu theo chuỗi sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao khép kín, gồm: Công ty Bel Gà (của Bỉ, cung cấp con giống), Tập đoàn De Heus (Hà Lan, cung cấp thức ăn chăn nuôi), Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước, tổ chức sản xuất chăn nuôi đạt chuẩn), Công ty Koyu & Unitek (Ðồng Nai, chế biến và giết mổ) xuất khẩu các sản phẩm từ thịt gà chế biến sang thị trường các nước (bình quân mỗi tháng xuất khẩu 150 tấn thịt). Dự báo, tới đây ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi sẽ là “chìa khóa” để ngành có thêm sức bật mới.
Có thể thấy, thời gian qua ngành chăn nuôi đã có chuyển biến rõ nét trong tổ chức sản xuất các ngành hàng sản phẩm chăn nuôi theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại và hiệu quả gắn với các chuỗi liên kết, trong đó phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã. Một số tỉnh, thành phố tiến hành tái cơ cấu chăn nuôi khá tốt. Đồng Nai, địa phương nằm trong tốp đầu chăn nuôi cả nước là một minh chứng. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Đồng Nai Trần Lâm Sinh cho biết, hiện tổng đàn lợn của tỉnh là gần 2,4 triệu con, chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn, với khoảng 1.400 trang trại. Đàn gà hơn 23,6 triệu con, chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 91% tổng đàn với 418 trang trại; trong đó tổng đàn lợn, gà của các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ tương đối cao (hơn 35% đối với lợn, 52% đối với gà). Chăn nuôi chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, sản xuất theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh, VietGAHP (hiện tỉnh có 286 trang trại chăn nuôi, 4 tổ hợp tác chăn nuôi lợn được chứng nhận VietGAHP và an toàn vệ sinh thực phẩm). Các công nghệ tiên tiến (chuồng kín, hệ thống cho ăn tự động…) được ứng dụng trong sản xuất chăn nuôi.
Cần dành quỹ đất cho chăn nuôi
Các chuyên gia cho rằng, để có thể “cất cánh” trong thời gian tới, ngành chăn nuôi nước ta phải khắc phục được những “lỗ hổng” và quyết liệt thực hiện ngay các giải pháp hữu hiệu trong tình hình mới như: Có chính sách dành quỹ đất để phát triển chăn nuôi đáp ứng các quy định của Luật Chăn nuôi, bảo đảm yêu cầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Ưu tiên giao đất, thuê đất với chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở giống, cơ sở chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học trong vùng phát triển chăn nuôi. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ khả năng đầu tư vào ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín và hỗ trợ, dẫn dắt người chăn nuôi sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhất là ở các vùng chăn nuôi hàng hóa trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ xuất khẩu...
Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, cần đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các loại vắc-xin, thuốc, chế phẩm thú y phục vụ công tác kiểm soát, khống chế dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò và các bệnh nguy hiểm khác; triển khai có hiệu quả việc xây dựng bản đồ dịch tễ để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh Lê Việt Bảo cho biết, tới đây chúng tôi sẽ tập trung bản đồ số hóa quản lý chăn nuôi và dịch bệnh động vật trên địa bàn; xây dựng chuyển đổi số vào nhóm sản phẩm chủ lực bò sữa (con giống, sữa), lợn (con giống, thịt) nhằm đẩy mạnh thực hiện các chương trình trọng điểm trong giai đoạn 2021-2025, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của thành phố.
(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 11/11/2021.