Công trình xanh được nhìn nhận như một giải pháp cần thiết cho Việt Nam để đạt tới cấp độ phát triển đô thị bền vững, mang lại lợi ích kinh tế nhờ giảm chi phí vận hành, tăng năng suất lao động và sử dụng các vật liệu bền vững. Theo nghiên cứu, đầu tư xây dựng các công trình xanh sẽ tiết kiệm từ 15% đến 30% năng lượng sử dụng, giảm khoảng 30% lượng khí thải các-bon, tiết kiệm từ 30% đến 50% lượng nước sử dụng và từ 50% đến 70% chi phí xử lý chất thải.
Tuy nhiên, hướng phát triển công trình xanh ở Việt Nam mới chỉ là những bước đi đầu, chưa có nhiều hoạt động thật sự hiệu quả. Theo đánh giá của hệ thống mạng lưới công trình xanh châu Á- Thái Bình Dương, số công trình xây dựng đạt tiêu chí xanh và được chứng nhận công trình xanh của nước ta mới ở mức khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và thế giới, chỉ khoảng 60 công trình. Xu hướng phát triển công trình xanh và đô thị xanh triển khai còn chậm. Hiện trạng xây dựng công trình và phát triển đô thị trong cả nước vẫn còn những bất cập và tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu bền vững.
Công tác hỗ trợ của cơ quan nhà nước còn rời rạc, chưa triển khai nghiêm túc, đồng bộ trên cả nước và cũng chưa có một chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể nào dành riêng cho lĩnh vực xây dựng xanh để khuyến khích đầu tư vào khu vực này. Hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng cũng chưa được hoàn thiện, nâng cấp cho phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam và tương xứng với tiêu chí xanh quốc tế. Giới chuyên môn cho rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa nhanh như hiện nay, Việt Nam còn gánh chịu nhiều tổn thất về sinh thái và kinh tế, nếu không gấp rút giải quyết vấn đề hiệu quả năng lượng công trình.
Quá trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam đang cần sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thúc đẩy của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, kế hoạch - đầu tư, công nghệ và tài nguyên, môi trường, tiến tới trở thành những kế hoạch, chương trình hành động của các địa phương và quốc gia. Điều quan trọng là tìm cách thu hút sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư, chủ sở hữu công trình đối với việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, để họ nhận thức được lợi ích lâu dài, giảm những quan ngại gia tăng chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện những cơ chế, chính sách gắn đầu tư xanh với gia tăng lợi nhuận và giá trị bất động sản, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của cộng đồng và xã hội.
Đã đến lúc Việt Nam cần có một cơ quan chỉ đạo và điều phối phát triển công trình kiến trúc xanh để tham mưu và đề xuất các chính sách có liên quan phát triển công trình xanh như một cuộc cách mạng mới trong phát triển đô thị. Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra, giám sát và quản lý hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức đánh giá cấp giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ công trình xanh một cách tốt nhất.
Xu hướng phát triển công trình xanh tại Việt Nam không chỉ là tiềm năng, cơ hội, mà còn là thách thức không nhỏ với ngành xây dựng và cả cộng đồng. Đòi hỏi nhiều nỗ lực từ các chủ đầu tư và chính quyền địa phương cùng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với thị trường xây dựng xanh. Có như vậy, chúng ta mới có được những công trình kiến trúc, những đô thị đạt hiệu quả cao nhất trong sử dụng năng lượng, mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội, giúp cộng đồng có được một môi trường sống tốt nhất.