Luật Trẻ em chú trọng hơn tới quyền tham gia

NDO -

NDĐT- Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi sẽ được trình lên Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII vào ngày 12-11 tới. Với tên mới là Luật Trẻ em, một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là nhấn mạnh hơn đến quyền trẻ em, quyền tham gia của trẻ em.

Trẻ em tham gia hoạt động tại Diễn đàn Trẻ em quốc gia năm 2015.
Trẻ em tham gia hoạt động tại Diễn đàn Trẻ em quốc gia năm 2015.

Lấy trẻ em làm trung tâm

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 sẽ đổi tên là Luật Trẻ em, nhằm phản ánh đầy đủ nội hàm điều chỉnh của Luật, bao gồm tất cả các nhóm quyền và quyền trẻ em: sống còn, phát triển, bảo vệ, tham gia.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cho rằng, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật rộng, nhưng đều lấy trẻ em làm trung tâm.

Dự thảo Luật Trẻ em quy định “Trẻ em là người dưới 18 tuổi”, cao hơn hai tuổi so với Luật hiện hành.

Về khoa học, người từ 16 đến dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, chưa phát triển đầy đủ về sức khỏe và nhận thức, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn, chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần, đặc biệt về nhận thức xã hội, về trình độ nhận thức, về ý thức. Vì lý do này, người trong độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi chưa được coi là người trưởng thành, cần phải được quan tâm đặc biệt từ phía nhà nước, xã hội, cộng đồng và gia đình, để các em phát triển lành mạnh, không bị bỏ rơi, sao nhãng và sa vào các hành vi lệch lạc, thậm chí nghiêm trọng hơn là vi phạm pháp luật.

Quy định trẻ em dưới 18 tuổi phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC) và hội nhập quốc tế về thống kê, số liệu.

Việc sửa đổi độ tuổi của trẻ em không ảnh hưởng tới các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Xu hướng hội nhập về độ tuổi trẻ em đang diễn ra rất nhanh, vì vậy Việt Nam cũng cần nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp. Trước đây, do đất nước còn nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, quy định độ tuổi trẻ em dưới 16 tuổi để bảo đảm tính khả thi về nguồn lực thực thi các chính sách về trẻ em.

Việc nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 là bảo đảm sự thống nhất về trẻ em và người chưa thành niên trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Việc quy định của pháp luật và hoạch định chính sách đối với trẻ em luôn dựa trên độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em, tăng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi không có nghĩa là tất cả trẻ em phải được đối xử như nhau.

Dân số trong độ tuổi 0 đến 16 hiện nay là 26 triệu, chiếm 29,06%. Dân số trong độ tuổi từ 16 - 18 là gần 4,4 triệu, chiếm khoảng 4,9%. Nếu tăng tuổi trẻ em đến dưới 18, dân số trẻ em là hơn 30,3 triệu, chiếm khoảng 34% dân số. Việc tăng tỷ lệ dân số trẻ em không làm ảnh hưởng lớn đến hệ thống chính sách và nguồn ngân sách cho y tế, giáo dục, văn hóa, trợ giúp xã hội hiện nay vì hầu hết các chính sách cho người chưa thành niên đều đã được tiếp cận và hoạch định theo độ tuổi và bậc học. Thực tế hiện nay, chính sách vẫn được chia theo các nhóm tuổi khác nhau. Thí dụ, Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, không thu học phí ở bậc tiểu học.

Việc nâng độ tuổi trẻ em chỉ phản ánh thực tế rằng, những người chưa thành niên dưới 18 tuổi do chưa trưởng thành đầy đủ và trọn vẹn có quyền được Nhà nước chăm sóc và bảo vệ đặc biệt. Trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự từ tuổi 14, nhưng được hưởng sự bảo vệ đặc biệt cho trẻ em trong quá trình tố tụng cho đến khi 18 tuổi; trẻ em có thể có khả năng tham gia lao động khi 15 tuổi, nhưng phải được bảo vệ khỏi các công việc độc hại, bóc lột hoặc có hại cho đến khi 18 tuổi.

Để tránh áp lực gia tăng ngân sách khi Luật được ban hành, dự thảo quy định, chính sách Nhà nước được thực hiện có lộ trình từng bước gia tăng mức độ đầu tư, mở rộng dần đối tượng, độ tuổi để trẻ em và căn cứ vào mức độ phát triển kinh tế - xã hội đối với các chính sách bảo đảm các quyền của trẻ em.

Quy định về chính sách bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em là căn cứ pháp lý và lộ trình cho việc hoạch định các chính sách, chương trình, kế hoạch về trẻ em của Chính phủ và các bộ.

Toàn diện hơn về bảo vệ trẻ em và chăm sóc thay thế

Quyền được bảo vệ của trẻ em được quy định trong các luật khác như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Nuôi con nuôi, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng chống buôn bán người... nhưng về tổng thể chưa rõ tính hệ thống.

Hệ thống bảo vệ trẻ em được đúc rút từ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Luật bảo vệ trẻ em và thực tiễn Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015.

Dự thảo Luật quy định hệ thống bảo vệ trẻ em, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống bảo vệ trẻ em; các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em; bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng; trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin về hành vi xâm hại trẻ em. Việc quản lý trường hợp trong công tác xã hội đối với trẻ em có nguy cơ cao hoặc đang bị xâm hại được quy phạm hóa quy trình xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Dự thảo Luật quy định các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em để thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em ở cả ba cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp mà không chỉ dừng lại ở việc can thiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Để bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi bị mất môi trường gia đình hoặc không thể sống cùng cha, mẹ đẻ vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất cho trẻ em, Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc đã có khuyến cáo các nguyên tắc chăm sóc thay thế. Luật năm 2004 cũng đã có các quy định liên quan đến chăm sóc thay thế tại các Điều 41, Điều 42, Điều 43 và Điều 51. Việc cho, nhận con nuôi cũng đã được quy định khá đầy đủ tại Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn liên quan đến nuôi con nuôi.

Tuy nhiên, chăm sóc thay thế ở nhiều quốc gia không chỉ liên quan đến các quy định pháp lý mà còn là vấn đề đạo đức, tâm lý. Hệ thống pháp luật Việt Nam chưa quy định đầy đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về chăm sóc thay thế, đặc biệt là các quy định tách trẻ em khỏi cha, mẹ đẻ; cho, nhận chăm sóc thay thế bởi người thân; hoặc bởi cá nhân, gia đình không phải người thân.

Dự thảo Luật này quy định một cách toàn diện về chăm sóc thay thế.

Cụ thể, Luật có: Tám yêu cầu thực hiện chăm sóc thay thế; Bốn hình thức chăm sóc thay thế, trong đó quy chiếu hình thức chăm sóc thay thế bằng nuôi con nuôi theo Luật nuôi con nuôi; Bốn nhóm đối tượng, trường hợp trẻ em được nhận chăm sóc thay thế; Bốn điều kiện cho, nhận chăm sóc thay thế; Trách nhiệm, quyền lợi của cá nhân, người đại diện gia đình nhận chăm sóc thay thế; Đăng ký nhận chăm sóc thay thế; Thẩm quyền quyết định chăm sóc thay thế; Đưa trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc trẻ em; Theo dõi, đánh giá, chấm dứt việc chăm sóc thay thế đối với trẻ em.

Chú trọng quyền tham gia

Quyền tham gia của trẻ em cũng đã được quy định trong Luật năm 2004, nhưng chưa đầy đủ, thiếu cụ thể và thiếu các nguyên tắc, giải pháp, biện pháp bảo đảm thực hiện.

Trên thực tế, quyền tham gia của trẻ em chưa được nhận thức rõ và đủ, dẫn đến hạn chế trong triển khai thực hiện. Nếu được thực hiện đầy đủ, các quyền tham gia của trẻ em sẽ làm tăng mức độ tự tin và phát triển lòng tự trọng, xây dựng được hoài bão của trẻ em. Trẻ em được làm quen với ý nghĩa của sự dân chủ, bình đẳng và tôn trọng, phát triển khả năng giao tiếp, học cách giải quyết vấn đề và ra quyết định một cách có trách nhiệm, góp phần tạo nên một xã hội dân chủ, công bằng. Quan trọng hơn, sẽ phát huy được tối đa các tiềm năng của mỗi trẻ em, mỗi công dân.

Năm 2002, Đại hội đồng Liên hợp quốc có khoá họp đặc biệt về trẻ em và đã ra Tuyên bố “Một thế giới phù hợp với trẻ em”. Tuyên bố nêu nguyên tắc lắng nghe ý kiến trẻ em và bảo đảm sự tham gia của các em. Các quy định về bảo đảm quyền tham gia của trẻ em cũng là thể chế hóa Hiến pháp năm 2013.

Dự thảo Luật dành riêng một chương để quy định rõ, đầy đủ, cụ thể về các điều kiện bảo đảm các quyền được tham gia của trẻ em.

Đó là các yêu cầu bảo đảm các quyền được tham gia của trẻ em về phạm vi, hình thức thực hiện; bảo đảm các quyền được tham gia của trẻ em trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, trong gia đình, trong nhà trường, cơ sở giáo dục, trong hoạt động Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.