Kỳ thi ghi dấu mốc
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là kỳ thi cuối cùng dành cho những học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Năm 2025 sẽ bắt đầu có lứa thí sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tốt nghiệp trung học phổ thông.
Phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 theo đó cũng có sự điều chỉnh theo hướng bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đánh dấu mốc là kỳ thi cuối cùng dành cho học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (Ảnh: TRUNG HIẾU) |
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 tiếp tục được tổ chức trên phạm vi cả nước, với quy mô hơn một triệu thí sinh dự thi cùng thời điểm, cùng đề thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương.
Mục tiêu của Kỳ thi vẫn nhằm phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp trung học phổ thông, làm cơ sở để xét tuyển đại học, cao đẳng và đánh giá chất lượng công tác quản lý, công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục.
Các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày từ 26 đến 29/6; chấm thi từ ngày 29/6; công bố kết quả thi vào 8 giờ ngày 17/7; xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông ngày 19/7.
Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kỳ thi năm nay có 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi, tăng hơn 45.000 thí sinh so với Kỳ thi năm 2023. Trong số này có 46.978 thí sinh tự do, chiếm 4,38% tổng số thí sinh.
Trên cả nước, các Hội đồng thi tổ chức 2.323 điểm thi với 45.149 phòng thi, tăng 51 điểm thi so với Kỳ thi năm 2023.
Các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày từ 26 đến 29/6; chấm thi từ ngày 29/6; công bố kết quả thi vào 8 giờ ngày 17/7; xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông ngày 19/7.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm luôn được cả xã hội quan tâm khi có số lượng học sinh và lực lượng tham gia tổ chức lớn, diễn ra quy mô toàn quốc, tại các vùng miền khác nhau. Nhưng quan trọng nhất, đây là dấu mốc đối với các thí sinh khi kết quả Kỳ thi đánh giá quá trình học tập rèn luyện 12 năm của các em.
Hướng tới một kỳ thi “tuyệt đối an toàn”
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 Phạm Ngọc Thưởng, năm nay, việc chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tiến hành sớm và rất chủ động. So với những năm trước, hệ thống văn bản chỉ đạo Kỳ thi năm 2024 như Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch, quy chế, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, cơ quan liên quan được ban hành sớm hơn, là cơ sở để các tỉnh/thành phố chủ động triển khai công tác chuẩn bị tại địa phương.
Đến trước thời điểm Kỳ thi chính thức diễn ra, qua báo cáo của các tỉnh, thành phố cho thấy công tác chuẩn bị đã được các tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo thực hiện hết sức chu đáo, tích cực, sẵn sàng về mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực để Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, chu đáo và đạt hiệu quả.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kiểm tra điều kiện tổ chức thi tại điểm thi Trường THPT Trần Quốc Tuấn, tỉnh Quảng Ngãi |
“Toàn quốc đã chuẩn bị chu đáo, chủ động, đầy đủ, sẵn sàng để tổ chức cho Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, với phương châm vì học sinh, để mọi học sinh có thể dự thi, đặc biệt quan tâm các em có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, không để một thí sinh nào vì điều kiện khó khăn về kinh tế hay cách trở về giao thông mà không đến được điểm thi” - Thứ trưởng khẳng định.
Tại các hội nghị tổ chức Kỳ thi, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia đã đưa ra cụm từ khoá đối với Kỳ thi năm nay là “tuyệt đối an toàn”, đề ra nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho Kỳ thi ở tất cả các khâu: An toàn về bảo quản, in ấn, vận chuyển đề thi, bài thi, an toàn về vệ sinh thực phẩm, an toàn về phòng chống cháy nổ, an toàn về điện nước; an toàn giao thông…
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng (bên phải ảnh), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương (ở giữa ảnh) trao đổi về bảo đảm các điều kiện tổ chức thi tại một điểm thi của Hà Nội |
Các điểm thi đều lên phương án dự phòng cho cả điểm thi, phòng thi về diễn biến những tình huống bất thường có thể xảy ra như thiên tai lũ lụt, biến đổi thời tiết, sự cố điện, nước,…
Nhiệm vụ bảo đảm an toàn được đề ra ở tất cả các khâu của Kỳ thi; đồng thời các điểm thi đều lên phương án dự phòng để ứng phó những tình huống bất thường.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi, trong khâu coi thi, các lực lượng công an, các thầy cô giáo, bằng các khả năng quan sát đã được tập huấn cùng sự trách nhiệm sẽ kiểm soát sao cho không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị vào phòng thi… Công tác in sao vận chuyển đề thi, bài thi được làm rõ về quy trình, bảo mật, rõ lực lượng tham gia; quá trình vận chuyển đề về các hội đồng thi, điểm thi cũng được thực hiện hết sức kỹ lưỡng, chu đáo;
Trong công tác chấm thi, phải thực hiện đúng quy định, quy chế. Từ những hội đồng như Bắc Kạn có 3.000 thí sinh đến những hội đồng đông như Hà Nội có hơn 100.000 thí sinh, đều phải hoàn thành công tác chấm thi đúng quy trình, quy định, chấm độc lập, đúng thời gian, tiến độ.
Tại Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, công tác nhân sự, lựa chọn người tham gia tổ chức tiếp tục được chú trọng.
“Đối với cán bộ cần tự trọng, tự giác, hết sức nghiêm túc trong thực thi công vụ. Đối với học sinh, đây là kết quả của 12 năm rèn luyện của các em, ở một nền giáo dục thực học, thi thực, kết quả thực. Khi các em đã có kiến thức thật thì các em sẽ vào phòng thi một cách đàng hoàng” - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu rõ.
Tinh thần “4 đúng - 3 không” đã được quán triệt từ Kỳ thi năm 2023 và tiếp tục lưu ý thực hiện trong Kỳ thi năm nay. “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. “3 không” là: Không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.