Tại cuộc họp thường niên của các thành viên Việt Nam của Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố khu vực châu Á-Thái Bình Dương (TPO) vừa diễn ra vào ngày 17/3, chủ đề “Hội tụ xanh” đã được thảo luận. Một trong những thí dụ điển hình được nhắc đến là Bà Rịa-Vũng Tàu đã thành công trong việc phát triển du lịch xanh và bền vững.
Thành phố biển Vũng Tàu kiên trì theo đuổi mục tiêu “xanh-sạch-đẹp”. Năm 2022, thành phố đón hơn 6,2 triệu lượt khách, với doanh thu du lịch đạt 8.100 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2019.
Đóng góp cho ngành du lịch xanh
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu cho biết, thành phố luôn hướng đến sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện, an toàn cho sức khỏe, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hướng đến một nền tăng trưởng xanh, bền vững, phát triển du lịch gắn với các ngành kinh tế khác. Ðó là những giá trị cốt lõi của “Hội tụ xanh” nhằm phát triển du lịch xanh bền vững, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch thành phố Vũng Tàu trong khu vực và trên thế giới.
Nhiều mảng xanh đã được bổ sung vào thành phố, bảo đảm an ninh y tế và du lịch. “Phát triển du lịch gắn liền với các thành phần kinh tế khác, tạo việc làm và nâng cao sinh kế cho người dân. Do đó, du lịch bền vững là chìa khóa cho sự phát triển trong tương lai của thành phố”, ông Hoàng Vũ Thảnh nhấn mạnh.
Vũng Tàu sở hữu nhiều bãi biển đẹp; có rừng, núi, sông cùng với 18 di tích lịch sử-văn hóa, đặc biệt là cơ sở hạ tầng luôn được quan tâm, đầu tư hoàn chỉnh nên Vũng Tàu từ lâu đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng và hấp dẫn của Việt Nam. Du lịch biển và các dịch vụ gắn liền với biển, du lịch văn hóa, di sản, du lịch sinh thái, du lịch khám phá thành phố.
Sau đại dịch Covid-19, du lịch Vũng Tàu là một trong những ngành kinh tế phục hồi mạnh mẽ, ấn tượng, nhất là 2 lần liên tiếp đoạt giải thưởng về thành phố Du lịch Sạch ASEAN, do Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á xem xét và thông qua 7 tiêu chí gồm: Quản lý môi trường chung; đường phố sạch sẽ, vệ sinh; quản lý xử lý tốt chất thải, nước thải; chính quyền và cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh đường phố; nhiều không gian xanh; có các điều kiện tốt bảo đảm an toàn sức khỏe, an ninh đô thị đối với du khách; hạ tầng và các phương tiện phục vụ du lịch phù hợp và đạt chuẩn để công nhận.
Định hướng du lịch xanh kết hợp bảo vệ môi trường
Bằng việc thúc đẩy du lịch xanh, sạch, bền vững với môi trường, ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đã có thể phục hồi nhanh chóng sau đại dịch và thu hút nhiều khách du lịch hơn.
Năm 2019, thành phố Vũng Tàu đã chính thức trở thành thành viên thứ 124 của Tổ chức TPO. Với những giải pháp thiết thực, cụ thể để cùng thành phố Vũng Tàu triển khai thực hiện phát triển du lịch Xanh bền vững, đạt được mục tiêu trở thành Trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế vào năm 2030, trong đó một trong những nội dung quan trọng là tăng cường công tác xúc tiến đầu tư du lịch nhằm quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của thành phố Vũng Tàu đến với các nhà đầu tư, các tổ chức xúc tiến du lịch trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và các quốc gia khác trên thế giới nói chung.
Theo báo cáo từ Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong năm 2022, toàn tỉnh ước tính đón khoảng 12,6 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế ước đạt 155 nghìn lượt). Tổng thu từ khách du lịch năm 2022 ước đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng. Hai địa phương phục hồi mạnh mẽ, phát triển vượt bậc là thành phố Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 132 dự án du lịch, trong đó 50 dự án đã đi vào hoạt động, các dự án còn lại đang triển khai hoặc đang làm thủ tục để đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Những dự án trên là nguồn cận kề, tạo ra những sản phẩm du lịch và các trải nghiệm cho du khách. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp triển khai dự án, sớm đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đưa ra nhiều giải pháp để hướng đến một mục tiêu du lịch bền vững và phát triển một du lịch xanh, sạch và bảo vệ môi trường. Cụ thể, thành phố đã xây dựng và triển khai các khu vực cây xanh, cải tạo các bãi biển, đồng thời thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu chất thải, xử lý nước thải và tăng cường các hoạt động tái chế, tái sử dụng tài sản. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung đầu tư vào đào tạo, nâng cao năng lực và chất lượng lao động trong ngành du lịch. Ðiều này bảo đảm rằng nhân lực của thành phố sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch về chất lượng dịch vụ và đồng thời giúp nâng cao năng suất lao động trong ngành.
Việc phát triển du lịch xanh, sạch và bảo vệ môi trường là một xu hướng không thể đảo ngược trong ngành du lịch. Với những giải pháp và nỗ lực của chính quyền và cộng đồng địa phương, Bà Rịa-Vũng Tàu đang trở thành một điểm đến du lịch lý tưởng cho những ai quan tâm khám phá và trải nghiệm những điều mới mẻ, đồng thời giữ gìn và bảo vệ môi trường.