Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng, tỷ lệ 1/5000, có diện tích hơn 1.150 ha, được xác định là khu vực đặc thù vì đây là đoạn sông có hệ thống đê tiêu chuẩn cao để ổn định dòng chảy, chống ngập lụt; tăng khả năng phân lũ của sông Hồng kết hợp cải tạo giao thông đường thủy để liên kết với mạng lưới vùng.
Khu vực này sẽ bổ trợ cho cảnh quan trung tâm của khu vực phía bắc sông Hồng, là nơi bố trí các công trình đầu mối đường thủy, hành lang sinh thái, cây xanh phòng hộ; quỹ đất để phát triển hai bên sông theo hướng cây xanh sinh thái, kết hợp du lịch, bảo tồn và duy trì cảnh quan thiên nhiên tạo lập bộ mặt cho các phân khu đô thị, cải tạo chỉnh trang, tái thiết làng xóm dân cư hiện hữu và là khu vực dự kiến phát triển hệ thống đường ven sông, cầu kết nối đô thị hai bên sông, tạo điều kiện phát triển cho khu vực.
Đồ án Quy hoạch phân khu sông Đuống nêu rõ, các khu vực dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ. Các thôn Đông Trù, xã Đông Hội; thôn Phúc Thọ, xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) sẽ được cải tạo, xây dựng mới công trình và được sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân cư, với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có.
Tại khu vực này, thành phố xác định ranh giới cụ thể làm cơ sở để quản lý đất đai, quy hoạch và đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật hiện hành, kiên quyết không để phát sinh thêm số khu dân cư, diện tích, số hộ dân ngoài bãi sông. Các khu vực dân cư hiện có ở bãi sông gồm Đông Ngàn, Yên Viên, Thượng Thanh, Ngọc Thụy thực hiện di dời theo lộ trình.
Về tổ chức không gian, kiến trúc, thiết kế đô thị, đồ án định hướng kết nối trục không gian sông Hồng-sông Đuống, hình thành không gian xanh, kết hợp không gian mở mặt nước và quảng trường liên kết các khu chức năng trong phân khu. Trục đường đi bộ xen kẽ các điểm dừng chân ngắm cảnh là trục nhấn trung tâm chạy xuyên qua các khu vực cây xanh công cộng kết hợp sinh thái du lịch, tôn giáo tín ngưỡng và các khu dân cư làng xóm cũ. Các công trình làng xóm cũ được cải tạo theo hướng tăng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, nhưng vẫn giữ được cấu trúc làng xóm cũ.
Quy hoạch về đường sắt, tuyến đường sắt quốc gia xuyên tâm Yên Viên-Ngọc Hồi và cầu Đuống hiện có sẽ dỡ bỏ, thay thế bằng đường sắt đô thị tuyến số 1 và cầu Đuống mới theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về đường bộ, quy hoạch chỉ rõ tuyến đường cao tốc đô thị vành đai 3 qua cầu Phù Đổng; các tuyến đường trục đô thị gồm đường 5 kéo dài qua cầu Đông Trù, đường Ngô Gia Tự-Hà Huy Tập qua cầu Đuống, đường Vĩnh Tuy-Ninh Hiệp qua cầu Dương Hà (sẽ được xây mới), đường trục dọc sông Hồng qua cầu Bắc Cầu (sẽ được xây mới), đường nối Thượng Thanh-Mai Lâm qua cầu Mai Lâm, đường liên khu vực bao gồm các tuyến đường đê tả, hữu Đuống... sẽ kết nối giao thông thuận tiện trong khu vực.
Phát biểu tại lễ công bố quy hoạch, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh giao UBND quận Long Biên và các huyện Đông Anh, Gia Lâm chịu trách nhiệm trong việc quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi sông, bãi nổi, chống lấn chiếm vi phạm, nhất là sau khi hình thành các tuyến đường ở bãi sông theo quy hoạch; có giải pháp quản lý khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ theo quy định, kiên quyết không để phát sinh thêm về số khu ở, diện tích, số hộ dân ngoài bãi sông.
Đồng thời rà soát, xây dựng phương án, lộ trình di dời các khu vực dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn theo quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều; xử lý các hộ dân cư vi phạm pháp luật về đê điều, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, tạo môi trường sống tốt cho người dân.