Hướng đi mới cho du lịch biển đảo của Quảng Ninh

Với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, vùng biển đẹp, du lịch biển đảo từ lâu đã trở thành loại hình du lịch thế mạnh của Quảng Ninh. Ngoài Hạ Long, những cái tên như Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu, Trà Cổ... đã ngày càng cuốn hút du khách và khẳng định vị trí quan trọng trên bản đồ du lịch biển đảo của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Khách quốc tế du lịch đến Quảng Ninh bằng đường biển ngày càng tăng.
Khách quốc tế du lịch đến Quảng Ninh bằng đường biển ngày càng tăng.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, trong sáu tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu từ du lịch của Quảng Ninh ước đạt 16.660 tỷ đồng (tăng 56% so với cùng kỳ 2022). Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu có 15 triệu du khách du lịch, tham quan và trong sáu tháng đầu năm, số khách du lịch đã chạm mốc 8,86 triệu lượt (tăng 61% so với cùng kỳ 2022).

Hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Từ đầu mùa du lịch hè 2023, du khách đến với tuyến đảo Cô Tô, Vân Ðồn của Quảng Ninh rất thích thú khi được check-in tại Cảng cao cấp Ao Tiên đẹp, hiện đại. Ðược khánh thành từ cuối tháng 4/2023, Cảng cao cấp Ao Tiên là tổ hợp cảng thiết kế theo chủ đề không gian xanh có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu, cỡ tàu khai thác lên đến 300 ghế. Hiện cảng đã có hơn 60 đầu phương tiện hoạt động vận chuyển khách theo sáu tuyến đảo của huyện Vân Ðồn và huyện Cô Tô.

Cùng với Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long thì Cảng cao cấp Ao Tiên chính thức đón khách đã tạo sự đồng bộ, hiện đại, đẳng cấp về hạ tầng cảng phục vụ du lịch biển đảo của Quảng Ninh. Ðồng thời, cảng mới cũng mở thêm cửa ngõ đến với các tuyến đảo của tỉnh, tăng thêm trải nghiệm cho du khách.

Không chỉ hạ tầng cảng bến, các cơ sở lưu trú du lịch biển đảo trên địa bàn tỉnh cũng đã được đầu tư đa dạng hơn, đáp ứng xu hướng mới. Khu du lịch nghỉ dưỡng Ðầu Rồng là một trong những sản phẩm du lịch nổi bật, vừa được đưa vào khai thác trong tháng 6. Ðây là khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên tại đảo Cái Chiên với 42 căn bungalow chất lượng cao là thành quả từ sự nỗ lực thu hút đầu tư của huyện Hải Hà, tạo động lực thúc đẩy du lịch xã đảo phát triển bứt phá. Từ đầu năm 2023 đến nay, xã Cái Chiên đã đón khoảng hơn 40 nghìn lượt khách du lịch, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hải Hà Bùi Thanh Tuấn cho biết: Du lịch biển đảo Cái Chiên là một trong những định hướng phát triển trọng tâm của huyện, từ đó kết nối phát triển đa dạng các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, cộng đồng... Các sản phẩm trải nghiệm định hình theo hướng bền vững, phát huy tiềm năng lợi thế đa dạng về thiên nhiên, văn hóa.

Trải nghiệm thuyền buồm trên vịnh Hạ Long cũng đang là sản phẩm du lịch hoàn toàn mới lạ đối với du khách trong hành trình khám phá vịnh Hạ Long. Ðặc biệt dịch vụ thủy phi cơ từ Hạ Long ra Cô Tô cũng chuẩn bị đi vào hoạt động sẽ giúp thời gian di chuyển từ Hạ Long ra đảo Cô Tô còn 20 phút. Trong hành trình này, du khách sẽ được ngắm vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và nhiều đảo đẹp trên tuyến đảo Vân Ðồn, Cô Tô từ trên cao.

Chị Phạm Hiền Lương, du khách đến từ thành phố Cẩm Phả chia sẻ: "Lần đầu tiên được trải nghiệm dịch vụ mới lặn ngắm san hô trên chính vùng biển của Quảng Ninh tôi thật sự ấn tượng. Ðược sự hướng dẫn và trợ giúp của các thợ lặn chuyên nghiệp, tôi hoàn toàn tự tin đi bộ dưới biển để ngắm nhìn hệ sinh thái đa dạng và tuyệt đẹp của lòng biển Cô Tô".

Theo hướng bền vững

Du lịch biển đảo có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Quảng Ninh. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, du lịch biển đảo hiện đang đứng trước nhiều vấn đề về môi trường, như sự suy giảm các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học, ô nhiễm nước biển... Những vấn đề này đã và đang ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển du lịch biển bền vững.

Thực tế cho thấy, những năm qua, Quảng Ninh đã nỗ lực tăng cường công tác bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng. Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho cộng đồng về quản lý và bảo vệ tài nguyên biển phát triển bền vững, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại vịnh Hạ Long, như di chuyển các hoạt động khai thác, sàng tuyển, bóc rót than trên vịnh, cấm các hoạt động chuyển tải clinker, xi-măng và các loại hàng hóa rời (dăm gỗ, đá các loại...).

Bằng các giải pháp thiết thực, thời gian qua môi trường du lịch biển đã được cải thiện, tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, ở một số khu du lịch ven biển ở Quảng Ninh vẫn còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm. Nhất là vào mùa hè, các dịp nghỉ lễ cuối tuần, khi lượng khách du lịch tăng cao, ở một số khu du lịch vẫn còn tình trạng rác thải của các loại hình dịch vụ trên bờ biển chưa được thu gom, xử lý triệt để, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định du lịch biển đảo chiếm vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp không khói của địa phương. Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho biết, việc mở thêm tuyến điểm mới sẽ đánh thức tiềm năng du lịch vịnh Bái Tử Long, giúp mở rộng không gian du lịch, giảm tải cho vịnh Hạ Long, làm mới các sản phẩm du lịch biển đảo. Tỉnh cũng sẽ thực hiện Ðề án "Tổng thể quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long-vịnh Bái Tử Long-Vân Ðồn-Cô Tô", nhằm kéo giãn du lịch biển đảo về phía đông, giảm áp lực ở vịnh Hạ Long.

Thời gian tới, ngành du lịch tỉnh sẽ tiếp tục phát triển đa dạng hóa các tour tuyến, sản phẩm du lịch mới; tập trung xây dựng hình ảnh điểm đến gắn với hoạt động quảng bá xúc tiến và đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực phục vụ du lịch ở các tuyến đảo, khẳng định vị trí quan trọng của Quảng Ninh trên bản đồ du lịch biển đảo của cả nước ■