Hướng đi mới cho công nghiệp thành phố

Trong bối cảnh mới, phát triển công nghiệp cần dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0.
Hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn bút bi Thiên Long, Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Tân Bình. (Ảnh THẾ ANH)
Hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn bút bi Thiên Long, Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Tân Bình. (Ảnh THẾ ANH)

Để tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế, cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo định hướng sáng tạo, bền vững, bao trùm, tạo động lực, lan tỏa, thúc đẩy công nghiệp vùng, cũng như cả nước phát triển.

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thành phố định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2030 dựa trên bốn trụ cột chính: Phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; sản xuất thông minh; liên kết vùng.

Nâng sức cạnh tranh nhờ ứng dụng công nghệ

Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát (Công ty Hiệp Phát), huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị chuyên chế tạo, cung cấp thiết bị phụ tùng máy CNC (máy gia công điều khiển số), gia công chi tiết máy theo yêu cầu có độ chính xác cao…

Để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường, Công ty Hiệp Phát không ngừng chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ để tạo ra các sản phẩm chất lượng và dịch vụ mới, nâng cao sức cạnh tranh với các mặt hàng nước ngoài. Với phương châm này, Hiệp Phát dần khẳng định vị thế bằng việc cung cấp các thiết kế, chế tạo, sản xuất và cung cấp robot; cung cấp bộ truyền dữ liệu cho máy CNC; thiết kế, chế tạo máy phay CNC… cho các đối tác.

Nói về tự động hóa trong nước hiện nay, Tiến sĩ Bùi Thanh Luân, Giám đốc Công ty Hiệp Phát cho biết: Việt Nam cũng phát triển theo đà của thế giới nhưng tốc độ rất chậm; các công ty còn làm việc riêng lẻ, manh mún, chưa có công ty lớn đầu tàu nhận các dự án lớn để kéo các công ty nhỏ phụ trợ theo.

Cùng với đó, các chính sách của Nhà nước cũng chưa thật sự rõ nét, đi vào thực tế; chưa thật sự hỗ trợ cho các công ty tư nhân về vốn vay ưu đãi, hay các ưu đãi khác. Các doanh nghiệp tư nhân thật sự vay được vốn ưu đãi còn khá ít. Chính sách thuế nhập khẩu vẫn còn nhiều bất cập với công nghiệp chế tạo máy trong nước, cụ thể là ưu tiên nhập khẩu máy thì thuế 0%, nhưng nhập linh kiện thì đánh thuế cao...

Trong khi đó, chia sẻ về giải pháp phát triển ngành khuôn mẫu chính xác cao, dưới góc nhìn doanh nghiệp, theo Công ty TNHH Lập Phúc, bất cứ sản phẩm kỹ thuật nào cũng cần dùng đến khuôn mẫu trong sản xuất, do đó nhu cầu về khuôn mẫu là rất lớn. Ngành cơ khí khuôn mẫu chính xác cao và kỹ thuật cao không những đòi hỏi nguồn vốn đầu tư về máy móc thiết bị, nhà xưởng mà còn yêu cầu nguồn nhân lực phải được đào tạo đạt tiêu chuẩn về kiến thức và tay nghề.

Hiện nay, bên cạnh khuôn mẫu chế tạo tại Đức, Nhật, Hàn Quốc có giá rất cao, chỉ có khuôn mẫu sản xuất tại Trung Quốc là có giá tốt. Ngành sản xuất khuôn mẫu tại Trung Quốc phát triển rất mạnh, cung cấp cho toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Để có thể tồn tại và phát triển, Công ty TNHH Lập Phúc đã hoạt động với phương châm "Giá rẻ hơn Trung Quốc, chất lượng Nhật". Để đạt được điều này, công ty áp dụng một số phương pháp cắt giảm chi phí trong đầu tư thiết bị, mà vẫn giữ được chất lượng sản phẩm sau cùng.

Cụ thể, Lập Phúc chú trọng chế tạo các máy chuyên dùng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất lao động, từ đó rút ngắn thời gian gia công. Đối với các máy tiên tiến, hiện đại nhập từ nước ngoài, Lập Phúc chỉ dùng cho giai đoạn gia công tinh để bảo đảm độ chính xác của sản phẩm, nên các máy này rất lâu hư và khấu hao cho sản phẩm rất thấp...

Ứng dụng công nghệ là giải pháp cốt lõi

Các chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước tuy được cải thiện trong những năm gần đây nhưng tỷ lệ vẫn thấp.

Theo số liệu khảo sát ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp được công bố gần đây, có hơn 50% số doanh nghiệp được khảo sát hiểu về cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng chưa có ý tưởng ban đầu về chiến lược; số doanh nghiệp đang xây dựng chiến lược chiếm khoảng 2% số doanh nghiệp được khảo sát.

Việc ứng dụng các công nghệ điện toán đám mây, robot, in 3D, dữ liệu lớn… vào sản xuất công nghiệp hiện chiếm tỷ trọng thấp trong tổng số doanh nghiệp khảo sát. Nguyên nhân dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng ứng dụng công nghệ trong sản xuất là do năng lực còn hạn chế; chi phí đầu tư quá đắt đỏ…

Sự phát triển của khoa học-công nghệ trên thế giới tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng. Sản xuất xanh trở thành xu hướng chủ đạo trong tương lai. Điều này định hình lại các chuẩn mực về các loại hàng hóa, dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất công nghiệp.

Do đó, công nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp là xu hướng phát triển tất yếu. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đến năm 2030, dự kiến công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh về cơ bản được tái cơ cấu theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao; các ngành công nghiệp thành phố có tiềm năng và lợi thế được đầu tư đổi mới máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số.

Thành phố cũng phấn đấu xây dựng hệ sinh thái trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo quy mô lớn; năng suất, chất lượng và hiệu quả các ngành công nghiệp được nâng cao; cơ sở hạ tầng công nghiệp được hiện đại hóa theo hướng công nghệ cao; doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư trong nước trên địa bàn thành phố đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, thành phố tăng cường xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực trình độ cao đủ khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố; phấn đấu đưa giá trị tăng thêm ngành công nghiệp thành phố tăng bình quân 7,5-8%/năm trong giai đoạn 2023-2030.

Thành phố cũng đẩy mạnh mối liên kết chặt chẽ về phát triển công nghiệp giữa thành phố với vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, thành phố đóng vai trò trung tâm R&D và đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, thành phố chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, xem đây là chìa khóa mang lại thành công trong việc phát triển công nghiệp thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.