Hướng đến ngành công nghiệp sâm Ngọc Linh

Hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum có diện tích cây sâm Ngọc Linh lớn nhất cả nước, với tổng diện tích 47.309ha, trong đó Quảng Nam có 15.567ha. Nhiều năm qua, Quảng Nam đã chú trọng việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, hướng đến ngành công nghiệp sâm theo đề án phát triển sản phẩm quốc gia của Chính phủ đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra mô hình nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh của Sam Sam Group.
Kiểm tra mô hình nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh của Sam Sam Group.

Sâm Ngọc Linh có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv thuộc họ nhân sâm (Araliaceae). Ngoài ra, loại dược liệu quý hiếm của quốc gia này còn có một số tên gọi khác là sâm K5, sâm trúc, sâm đốt trúc, cây thuốc dấu…

Tỉnh Quảng Nam có hai đơn vị được giao nhiệm vụ bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh là Trại sâm giống Tắk Ngo (huyện Nam Trà My) và Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam). Từ năm 2016-2021, hai đơn vị này đã gieo ươm bằng hạt giống được 281.769 cây.

Ngoài chức năng bảo tồn nguồn gien quý và trồng sâm Ngọc Linh, các đơn vị đã cung cấp giống cho các doanh nghiệp và người dân trồng theo đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh của tỉnh. Theo đó, 5 năm qua, từ nguồn giống Nhà nước hỗ trợ, 1.200 hộ trồng sâm ở bảy xã của huyện Nam Trà My đã mở rộng vùng nguyên liệu hơn 1.600ha, với khoảng 263.901 cây. Theo thống kê, đến nay huyện Nam Trà My đã có gần 2.500 hộ trồng sâm trên diện tích gần 5.000ha.

Hướng đến ngành công nghiệp sâm Ngọc Linh ảnh 1

Phòng nuôi cấy mô cây sâm Ngọc Linh.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, nhờ đầu tư về hạ tầng giao thông, kỹ thuật vùng trồng và định hướng phát triển cây sâm Ngọc Linh đúng hướng nên kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào miền núi của huyện có bước phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nhiều tỷ phú trồng sâm với tài sản hơn 100 tỷ đồng xuất hiện như các ông: Hồ Văn Lượng, Hồ Văn Hình, Hồ Văn Du và Nguyễn Văn Trường…

Tại Quảng Nam, năng lực sản xuất sâm giống trong nhân dân và các đơn vị nhà nước khoảng 100 nghìn cây/năm. Con số này chỉ đáp ứng việc mở rộng diện tích trồng sâm khoảng 20ha/năm và khó có khả năng đáp ứng quy mô sản xuất sâm theo hướng công nghiệp (dược, thực phẩm, mỹ phẩm…). Vì thế, tỉnh đã thí điểm triển khai đề án cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Theo đó, tỉnh đã tạo điều kiện cho bảy đơn vị, doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích trồng sâm, với khoảng 203ha, đặc biệt là áp dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất cây giống và chế biến các sản phẩm chất lượng cao từ sâm Ngọc Linh.

Công ty TNHH Sâm Sâm (Sam Sam Group) là doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại để nghiên cứu nhân giống cây sâm và sản xuất dược phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh dựa trên vùng trồng 100ha và 250.000 cây giống nhiều năm tuổi. Sam Sam Group đã nghiên cứu và sản xuất thành công giống cây sâm Ngọc Linh theo phương pháp nuôi cấy mô với năng lực sản xuất 5 triệu cây giống/năm và chiết xuất cao dược liệu, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dược phẩm và mỹ phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh, với công suất khoảng 40 tấn sản phẩm/năm.

Ông Nguyễn Ðức Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sam Sam Group cho biết, chỉ có làm chủ được nguồn giống, số lượng giống, mở rộng vùng trồng và quản lý chất lượng cây sâm sau thu hoạch thì mới đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp sâm Việt Nam trong tương lai.

Hiện nay, hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã thu hút được 31 dự án đăng ký trồng, phát triển, chế biến sâm Ngọc Linh với diện tích là 12.251ha, trong đó có 27 dự án đi vào hoạt động, với diện tích sâm đã trồng là 1.929ha.

Hướng đến ngành công nghiệp sâm Ngọc Linh ảnh 2

Ươm giống cây sâm Ngọc Linh.

Ngày 1/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 157/QÐ-TTg về chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030, trong đó có cây sâm Ngọc Linh. Ðể đáp ứng chiến lược quốc gia về sâm Ngọc Linh, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch và xây dựng đề án bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam, với vốn đầu tư khoảng 9.467 tỷ đồng (doanh nghiệp đầu tư 7.898 tỷ đồng) trên diện tích 89.195 ha. Thời gian qua, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ và xác nhận nguồn gốc, xuất xứ sâm Ngọc Linh cho tám cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh với 373.351 cây.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay khó khăn nhất của người trồng sâm và doanh nghiệp là chưa có quy định cho thuê môi trường rừng để phát triển cây sâm Ngọc Linh, cây dược liệu (dưới tán rừng tự nhiên). Trong khi đó, chỉ có quy định cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Do tính đặc hữu của cây sâm Ngọc Linh chỉ sinh trưởng và phát triển dưới tán rừng, các bộ, ngành cần nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, hoàn thiện chính sách cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây sâm Ngọc Linh; đồng thời có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển sâm từ công đoạn sản xuất giống, nuôi trồng, thu hái, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch tại các vùng trồng sâm… Có như thế ngành công nghiệp sâm Việt Nam mới đạt mục tiêu đề ra và thương hiệu sâm Ngọc Linh- sâm Việt Nam mới có vị trí xứng đáng trên thế giới.