Hướng đến nền nông nghiệp đô thị hiện đại

Nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh trong bối cảnh đất nông nghiệp đang bị thu hẹp. Trong đó, thành phố lấy Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học làm nòng cốt để xây dựng các mô hình, chuyển giao và nhân rộng.
0:00 / 0:00
0:00

Được xem là hạt nhân trong việc xây dựng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay, Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh là nơi nghiên cứu, lai tạo, sản xuất giống mới, triển khai và chuyển giao các quy trình, mô hình nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho thành phố và các địa phương lân cận trong khu vực.

Ðáng chú ý, đơn vị này đã xây dựng ngân hàng gen cho ngành nông nghiệp với hơn 500 giống nguồn gen bản địa (hoa lan, cây kiểng, cây dược liệu, chủng vi sinh vật, cá giống…); triển khai khoảng 410 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và ươm tạo công nghệ cấp cơ sở, cấp tỉnh và cấp bộ; hoàn thiện hơn 100 quy trình kỹ thuật để chuyển giao ứng dụng cho các đơn vị, tổ chức, nông dân.

Khu Nông nghiệp công nghệ cao cũng phối hợp với các cơ quan nước ngoài triển khai năm dự án quốc tế về sản xuất chế phẩm sinh học, thiết bị tạo bọt khí kích thước nhỏ trong nuôi tôm thẻ chân trắng, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ. Hằng năm, đơn vị này cũng cung cấp khoảng 900 nghìn cây giống, một triệu cây cấy mô các loại cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Ông Phạm Ðình Dũng, Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Khu Nông nghiệp công nghệ cao là đơn vị tiên phong cả nước về lĩnh vực trồng trọt, thủy sản nhằm hướng tới phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp bền vững; đồng thời, tạo động lực lan tỏa công nghệ, tư duy làm nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, góp phần phát huy năng lực nội sinh về khoa học-công nghệ của thành phố và cả nước.

Từ những năm 2000, thành phố đã xác định tầm nhìn chiến lược về ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị và đề ra nhiều chủ trương tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp thành phố theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại. Qua đó, thành phố đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất, thành lập các đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp như Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trại Trình diễn và Thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao.

Ðịa phương này cũng phê duyệt “Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2030”; ưu tiên đầu tư cho việc nghiên cứu, chọn tạo, thử nghiệm, sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện thành phố và các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Ðồng thời, thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo giống như tạo giống ưu thế lai F1; chiếu xạ gây đột biến; công nghệ chuyển gen, chỉnh sửa gen, kỹ thuật chỉ thị phân tử để chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản mới; công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật; công nghệ gieo ươm cây con để nhân các giống rau, hoa chất lượng cao phục vụ vào sản xuất… Ðây là các yếu tố quan trọng để thành phố hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp đô thị trong thời gian tới.

Cần thẳng thắn nhìn nhận, tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng nền nông nghiệp công nghệ cao thành phố còn gặp nhiều khó khăn trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng hội nhập. Cùng với đó, nền tảng cơ sở hạ tầng để thiết lập hệ thống tự động hóa kết nối với internet, chi phí ban đầu để thực hiện giải pháp internet vạn vật (IoT) khá cao, các thiết bị phù hợp với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị phần lớn phải nhập khẩu...

Phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học-công nghệ cao có tiềm năng rất lớn, là hướng đi tất yếu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phục vụ phát triển đô thị theo hướng hiện đại. Ðể thực hiện được mục tiêu này, thành phố cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy hoạch về đất đai nhằm ổn định cho sản xuất nông nghiệp đô thị. Thành phố cũng cần tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch, đề án, chương trình phát triển nông nghiệp, chuyển đổi diện tích trồng cây không hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn.

Các chuyên gia cho rằng, thành phố cũng cần đẩy mạnh các chính sách khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất; xác định rõ các ngành mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh trong phát triển nông nghiệp đô thị, lựa chọn những sản phẩm có giá trị cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn lực để quy hoạch và chuyên môn hóa sản xuất.

Trong đầu tư nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp, thành phố chú trọng đến việc chọn tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao ứng dụng vào sản xuất; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống, bảo đảm cung cấp đầy đủ giống chất lượng cao phục vụ định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hiện đại.

Theo ông Ðinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này đang xây dựng đề án quy hoạch các khu vực, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng nông nghiệp đô thị. Một trong những mục tiêu của đề án này là tạo sự gắn kết giữa Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học với các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao của thành phố; đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan trình thành phố xây dựng các chính sách hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho cả vùng, giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp.