Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn

Trong bối cảnh mới, việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn là cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến sự phát triển bền vững. Sự chuyển đổi không chỉ giúp thành phố đạt được những mục tiêu tăng trưởng xanh, mà còn tạo tiền đề thu hút đầu tư xanh từ các tập đoàn lớn trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh là nơi thu hút nhiều dự án thân thiện với môi trường.
Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh là nơi thu hút nhiều dự án thân thiện với môi trường.

Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, có tiềm năng, lợi thế phát triển, có hàm lượng giá trị gia tăng cao và tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều chính sách đã được thành phố ban hành nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào công nghiệp, nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, công nghệ cao...

Tuy nhiên, sau nhiều năm, hiện vẫn có khoảng 98% doanh nghiệp tại thành phố ở quy mô vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn. Vì vậy, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn vẫn là thách thức không nhỏ đòi hỏi thành phố phải có chính sách đột phá, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp tầm cỡ tham gia.

Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn doanh nghiệp sản xuất còn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, còn hạn chế về thiết bị, công nghệ, giá thành, sức cạnh tranh và hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm vẫn chưa cao.

Vì vậy, mặc dù thành phố đã có những mô hình liên quan đến kinh tế tuần hoàn nhưng chỉ với quy mô nhỏ lẻ. Các quy trình thiết kế sản phẩm, sản xuất và tiêu dùng chưa được chú trọng hình thành một vòng đầy đủ của mô hình kinh tế tuần hoàn.

Để thúc đẩy dịch chuyển nền kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn một cách thực chất và hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, thành phố cần xây dựng khung chiến lược và chính sách toàn diện và bảo đảm tính kết nối giữa các ngành và lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.

Trong đó, cần dựa trên các xu hướng và tiêu chuẩn, tiêu chí về phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong khu vực và thế giới. Đồng thời, cần bám sát vào lộ trình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn của quốc gia, nhưng có sáng tạo, có tính đột phá để phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố.

Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những chính sách quan trọng giúp thành phố có một số “đặc quyền” để tháo gỡ các vướng mắc trong phát triển và kiến tạo cơ chế về thu hút nguồn lực cho quá trình chuyển đổi xanh.

Cụ thể như thí điểm cơ chế tài chính thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, thúc đẩy hệ thống điện áp mái, điện mặt trời, kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, thu hút nhà đầu tư chiến lược chuyển đổi xanh.

Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng bước đầu để thành phố hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh từ việc chuyển đổi các hoạt động sản xuất, dịch vụ theo hướng bền vững, tái cơ cấu các hoạt động sản xuất công nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, phát triển năng lượng tái tạo… nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp, người dân một môi trường sống lành mạnh và vì sự phát triển bền vững của thành phố.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Khoa Huy, Trường đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, để phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến bảo vệ môi trường đạt hiệu quả, thành phố cần tập trung phát triển khoa học-công nghệ gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Muốn vậy, thành phố cần đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ, nhất là ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Thành phố cần thống nhất với các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong vấn đề phân loại phế phẩm, để có thể tái tạo lại hoặc phục vụ cho hoạt động khác, hạn chế tình trạng đổ bỏ lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa chưa sử dụng hết giá trị của nó.

Thành phố cần chú trọng, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) có công nghệ cao, thân thiện môi trường và sử dụng nhiều lao động vào khu vực chế biến. Đặc biệt, thành phố cần khuyến khích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các ngành công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, điện tử, công nghệ thông tin…

Với những trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại của các nước phát triển khi đầu tư, sẽ góp phần không nhỏ cho vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn ở thành phố, vừa có thể phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường.