Hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

NDO - Bộ Y tế nhấn mạnh, phụ nữ có thai không được tiếp xúc với người xác định nhiễm, nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ. Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần được giám sát chặt chẽ để phát hiện kịp thời đậu mùa khỉ.
0:00 / 0:00
0:00
Ống đựng mẫu bệnh phẩm dương tính với đậu mùa khỉ. (Ảnh: Reuters)
Ống đựng mẫu bệnh phẩm dương tính với đậu mùa khỉ. (Ảnh: Reuters)

Ngày 26/8, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn ký Quyết định 2306/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, trước tình hình mở cửa đón khách du lịch và các đối tác kinh tế trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế, chúng ta cũng đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn của xâm nhập dịch đậu mùa khỉ trong cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh.

Để phòng ngừa, Bộ Y tế hướng dẫn các biện pháp dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn như sau:

Áp dụng phòng ngừa lây nhiễm qua “tiếp xúc” và “giọt bắn” khi chăm sóc các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xác định và bệnh nghi ngờ. Trong trường hợp có các thủ thuật tạo khí dung, bắt buộc áp dụng thêm các biện pháp dự phòng qua “không khí”.

Điều tra, truy vết, xác định người tiếp xúc gần nhằm theo dõi, quản lý và tư vấn cách tự theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Quản lý người nhà và khách thăm có liên quan đến đậu mùa khỉ.

Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh đặt biển báo tại cổng vào của cơ sở khám chữa bệnh để người bệnh có thể nhận biết ngay hướng đi tới khu sàng lọc.

Tại nơi tiếp đón, dựng các vách ngăn trong suốt (kính/nhựa) để hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên y tế thực hiện sàng lọc ban đầu và người bệnh; bảo đảm thông khí và khoảng cách tối thiểu 1 mét giữa các người bệnh, người nhà người bệnh.

Bố trí sẵn sàng nơi cách ly người bệnh nghi ngờ hoặc người bệnh xác định đậu mùa khỉ trong khi chờ chuyển tới đơn vị điều trị cách ly. Cung cấp đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế.

Người bệnh xác định nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ từ khu sàng lọc được chuyển về Khoa Truyền nhiễm hoặc khu cách ly của cơ sở KBCB. Trong quá trình vận chuyển phải cho người bệnh mang khẩu trang, che các nốt phỏng và báo trước cho nơi sẽ chuyển người bệnh đến.

Buồng cách ly người bệnh phải được dán biển cảnh báo “Buồng cách ly” và nêu rõ các biện pháp cách ly cần áp dụng, giường bệnh cách nhau tối thiểu 1 mét. Hạn chế vận chuyển người bệnh ra ngoài khu cách ly. Hạn chế người nhà và khách thăm vào khu vực cách ly. Trường hợp được phép vào khu vực cách ly phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm theo quy định.

Bộ Y tế cũng lưu ý, phụ nữ có thai không được tiếp xúc với người xác định nhiễm, nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ. Nếu bị nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ phải được theo dõi thêm của bác sĩ chuyên khoa Sản.

Nếu sản phụ sinh đẻ trong thời gian bị nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ, nhân viên y tế phải áp dụng tối đa các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm khi đỡ đẻ hoặc thực hiện các thủ thuật lấy thai.

Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần được giám sát chặt chẽ để phát hiện kịp thời đậu mùa khỉ.

Với người bệnh đang cho con bú, phải cách ly mẹ và con trong giai đoạn bệnh đang tiến triển. Tạm dừng cho con bú trực tiếp trong giai đoạn bệnh đang tiến triển, nhưng vẫn có thể vắt sữa mẹ để nuôi dưỡng trẻ.

Theo Bộ Y tế, tính tới 23/8, tổng số ca bệnh đậu mùa khỉ được công bố tại 96 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới là trên 44.503 ca. Trong 7 tháng đầu năm 2022 có 12 trường hợp tử vong được thông báo tại 5 quốc gia: Cộng hòa Trung Phi, Ghana, Nigeria, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Brazil và Ecuardo. Chỉ trong tháng 7/2022, số ca trên toàn cầu đã tăng hơn 20.000 ca và xuất hiện thêm ở 39 quốc gia/vùng lãnh thổ mới.

Hiện tại, một số quốc gia gần với Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia đã ghi nhận ca nhiễm bệnh.