Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 lần 7 sẽ là "vũ khí mới" trong phòng, chống dịch

NDO -

Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 cập nhật lần thứ 7 vừa được Bộ Y tế ban hành sẽ là vũ khí mới, kiến thức mới để các cơ sở y tế đưa vào áp dụng càng sớm càng tốt trong công cuộc kiểm soát dịch bệnh.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại hội nghị.

Chiều 7/10, Bộ Y tế, Cục quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến triển khai Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 phiên bản lần thứ 7 cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc qua 700 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố/quận/huyện/thị xã.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, hướng dẫn mới ban hành lần thứ 7 có nhiều nội dung đổi mới và được xây dựng trong thời gian rất nhanh chóng. 

Theo Thứ trưởng, mặc dù Việt Nam đã đặt trong một tâm thế chủ động tích cực chuẩn bị cho công cuộc phòng, chống dịch nhưng mọi diễn biến trong cuộc chiến với biến chủng Delta đều diễn ra hết sức bất ngờ. Tất cả sự chuẩn bị của ngành y tế trong công tác phát hiện sớm, xét nghiệm, thu dung điều trị, hồi sức và đặc biệt sự chuẩn bị đáp ứng với biến chủng Delta giai đoạn đầu hết sức khó khăn. Đến nay, cả nước ghi nhận hơn 800 nghìn ca mắc trong nước và khoảng 2,5% trường hợp tử vong.

Trong giai đoạn được cho là căng thẳng nhất là từ 23/8 đến 30/9, ngành y tế đã triển khai chiến lược xét nghiệm rộng rãi, có trọng tâm trọng điểm và thực hiện đúng theo tốc độ của xét nghiệm, đi trước tốc độ lây lan của virus nCoV là 48 giờ làm một lần xét nghiệm. Nhờ thế, đến nay, kết quả xét nghiệm hết sức lạc quan. Ca nhiễm mới trong cộng đồng và trường hợp bệnh trở nặng, tỷ lệ tử vong giảm xuống.

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong hướng dẫn mới này, Việt Nam sẽ áp dụng điều trị bằng các loại thuốc gần như chỉ đưa vào sử dụng vào tình huống khẩn cấp được công nhận trên thế giới và các loại thuốc kháng đông, kháng viêm giúp cho kiểm soát được các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Với thuốc kháng virus, Bộ Y tế đã bổ sung thuốc Molnupiravir 400 mg bên cạnh Remdesivir, Favipiravir... Molnupiravir 400 mg chỉ định dùng cho bệnh nhân nhẹ, liều dùng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.

Kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố tại một số quốc gia cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp. Đặc biệt, thuốc giúp giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.

Tại Việt Nam, trước khi đưa vào thí điểm tại cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh (được phát trong gói thuốc điều trị tại nhà cho các F0), thuốc được nghiên cứu thử nghiệm tại một số cơ sở y tế. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng lưu ý vấn đề điều trị dự phòng sớm bằng corticoid, chống đông máu.

Theo hướng dẫn mới, với các thuốc kháng virus, kháng thể kháng virus, ức chế IL-6, nếu với thuốc chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới: việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

Thuốc đã được WHO khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, trong hướng dẫn mới này, ngoài những thuốc có trong hướng dẫn và trong Quyết định 2626/QĐ-BYT, đối với người có bệnh nền, bệnh mạn tính: tiếp tục điều trị phối hợp với điều trị Covid-19 bằng các thuốc trong danh mục sẵn có của cơ sở thu dung điều trị. Sử dụng thuốc sẵn có trong danh mục của cơ sở để điều trị triệu chứng, xử trí cấp cứu người bệnh (nếu có)  

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Hướng dẫn mới sẽ là vũ khí mới trong điều trị Covid-19 -0
 PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thông tin về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 mới.

Về công tác quản lý điều trị, hướng dẫn mới có các điểm cập nhật mới sau:

- Đối với Covid-19 tổn thương gây ra không chỉ là hô hấp mà trên đa cơ quan do đó hướng dẫn điều trị lần này đã lồng ghép các chuyên khoa, điều trị toàn diện từ hô hấp, tuần hoàn, lọc máu, ECMO, cocticoid, kiểm soát đường huyết, điều trị nguyên nhân, phục hồi chức năng, tâm lý, dinh dưỡng.

- Định hướng điều trị theo phân tầng người bệnh: Trên cơ sở của hướng dẫn, theo thẩm quyền và trách nhiệm của Sở Y tế, cơ sở thu dung điều trị trích tóm tắt các nội dung phù hợp theo phân tầng để áp dụng cho cơ sở mình một cách phù hợp và linh hoạt.

- Một số hướng dẫn tổ chức triển khai: Hướng dẫn cấp cứu trước viện đối với đội cấp cứu lưu động khi tiếp nhận người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19; Hướng dẫn xây dựng kế hoạch chăm sóc người bệnh Covid-19 theo mức độ bệnh.

- Tách hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 đối với trẻ em thành hướng dẫn riêng.

Hướng dẫn chẩn đoán điều trị Covid-19 phiên bản lần thứ 7 cũng tổng hợp các hướng dẫn về chăm sóc, dinh dưỡng, phục hồi chức năng… nên có độ dài nhất từ trước đến nay là 137 trang. 

Hướng dẫn được làm dưới dạng sách điện tử với các chỉ mục để thuận tiện cho việc tra cứu và sử dụng.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan