Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh: Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Hưng Yên cần quán triệt thực hiện phương châm chính quyền sẵn sàng lắng nghe, đối thoại và quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, doanh nhân và ngược lại, doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần thể hiện trách nhiệm cao hơn nữa đối với sự phát triển của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công; tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và giữa các sở, ngành địa phương với người dân và doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân được kịp thời, hiệu quả hơn.
Các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cần lắng nghe, trao đổi với tinh thần cầu thị và trách nhiệm cao nhất; xử lý, giải đáp các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp trên tinh thần thẳng thắn, công khai, trả lời trúng và đúng các vấn đề, có cam kết thời gian và tiến độ thực hiện giúp cho doanh nghiệp có thêm niềm tin, động lực để sản xuất, phát triển và gắn bó lâu dài với Hưng Yên...
Bắc Ninh: Hơn 1.500 doanh nghiệp tham gia đối thoại, tháo gỡ khó khăn về thuế
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã kiến nghị làm rõ những bất cập trong việc tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính; tăng cường các giải pháp thúc đẩy hợp tác với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu...
Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên nêu vấn đề, hiện trên địa bàn huyện Văn Lâm có một số dự án đã được chấp thuận đầu tư từ năm 2017, 2018. Trong quá trình giải phóng mặt bằng, các đối tượng đã thu gom ruộng, đất của các hộ dân để nâng giá đền bù, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, môi trường đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, một số dự án đã xong giải phóng mặt bằng, tuy nhiên đến nay đang vướng hồ sơ pháp lý, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa được giao đất để doanh nghiệp triển khai dự án.
Ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên chủ trì, phối hợp với các sở, ngành trả lời những kiến nghị, đề xuất do Hiệp hội doanh nghiệp tổng hợp và các doanh nghiệp kiến nghị; tham mưu giải quyết đối với các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên yêu cầu cấp, ngành quyết liệt hơn nữa nhiệm vụ cải cách hành chính, thi hành công vụ để giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp, lắng nghe, tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp, không đùn đẩy đối với những nội dung thuộc thẩm quyền xử lý; thường xuyên quan tâm, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp, phục vụ, kiến tạo cho doanh nghiệp; tăng cường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đối thoại chuyên đề với các doanh nghiệp về các vấn đề đang khó khăn, vướng mắc. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hưng Yên.
Trong quý I/2024, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thu hút được 39 dự án đầu tư mới, tăng 11 dự án so cùng kỳ năm 2023 với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 6.295 tỷ đồng và 354,7 triệu USD. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ước đạt 468 doanh nghiệp, tăng 20,3% so cùng kỳ năm 2023 với tổng số vốn đăng ký mới đạt 4.355,9 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/3 thu ngân sách đạt 10.169,9 tỷ đồng, đạt 31% kế hoạch, tăng 59,3% so cùng kỳ.