Hưng Yên đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ nhãn

Hiện nay, tỉnh Hưng Yên bước vào vụ thu hoạch nhãn với sản lượng dự kiến hơn 40 nghìn tấn quả. Để tạo điều kiện cho nông dân tiêu thụ nhãn, tỉnh Hưng Yên đã triển khai các phương án kết nối, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm quả nhãn trên thị trường trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Bấm nút khai mạc Tuần lễ tôn vinh nhãn lồng Hưng Yên năm 2024 tại Khu đô thị Vinhomes Oceanpark 2, huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên.
Bấm nút khai mạc Tuần lễ tôn vinh nhãn lồng Hưng Yên năm 2024 tại Khu đô thị Vinhomes Oceanpark 2, huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, toàn tỉnh Hưng Yên có gần 5 nghìn ha trồng nhãn; trong đó, diện tích trồng nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP có khoảng 1500 ha, cho sản phẩm chất lượng cao. Các giống nhãn được trồng với diện tích lớn ở tỉnh Hưng Yên, như: nhãn Hương Chi chiếm 35% tổng diện tích trồng nhãn, nhãn Miền Thiết chiếm 30%, nhãn cùi, T2, T1, T6, siêu ngọt… chiếm 25%, còn lại là nhãn đường phèn, nhãn thóc, nhãn nước. Thời điểm này, các vườn nhãn ở tỉnh Hưng Yên đang vào thời kỳ chín rộ, nông dân tập trung thu hoạch nhãn quả, dự kiến sản lượng đạt trên 40 nghìn tấn quả.

Thành phố Hưng Yên là vùng nhãn lớn, với diện tích khoảng 1.000ha, tập trung ở các xã: Hồng Nam, Phương Chiểu, Tân Hưng, Quảng Châu; trong đó có nhiều giống nhãn ngon đặc sản, giá trị kinh tế cao như: cùi cổ, đường phèn, hương chi... với sản lượng ước đạt trên 11.000 tấn. Chị Bùi Thị Hường, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xanh Phố Hiến cho biết, Hợp tác xã nông nghiệp xanh Phố Hiến trồng trên 20ha nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, dự kiến vụ này cho thu hoạch khoảng 120 tấn quả. Thời điểm này, các thành viên trong hợp tác xã đang tập trung thu hoạch, với giá bán nhãn hương chi trung bình từ 35.000-40.000 đồng/kg, nhãn cùi cổ, nhãn đường phèn có giá từ 100.000 đồng/kg trở lên, cao hơn năm ngoái 20-30%. Nhãn của hợp tác xã chủ yếu được phân phối đến các cửa hàng, điểm bán lẻ trong tỉnh và các địa phương như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng...

Hưng Yên đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ nhãn ảnh 1

Gian hàng Trưng bày sản phẩm nhãn lồng của thành phố Hưng Yên tại Tuần lễ tôn vinh nhãn lồng Hưng Yên năm 2024 tại Khu đô thị Vinhomes Oceanpark 2, tỉnh Hưng Yên.

Cùng với kênh bán hàng truyền thống, Hợp tác xã nông nghiệp xanh Phố Hiến chú trọng bán sản phẩm qua các mạng xã hội như: Facebook, Zalo. Khi khách đặt mua hàng online, các thành viên hợp tác xã thu hoạch, đóng gói sản phẩm rồi vận chuyển tới địa chỉ theo yêu cầu… Đặc biệt, những năm gần đây, Hợp tác xã nông nghiệp xanh Phố Hiến đón nhiều đoàn du khách đến tham quan trải nghiệm vườn nhãn. Khi đến với vườn, du khách sẽ được thưởng thức nhãn, nếu có nhu cầu đặt hàng hợp tác xã sẽ cắt nhãn và cân cho du khách ngay tại vườn.

Ngoài tiêu thụ nhãn quả tươi, các hợp tác xã, hộ kinh doanh ở tỉnh Hưng Yên còn đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ quả nhãn như: long nhãn sấy khô, long nhãn ôm sen để kéo dài thời gian bảo quản, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị kinh tế. Gia đình ông Đặng Văn Ứng, xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên đã gắn bó hơn 20 năm với nghề làm long nhãn. Trung bình mỗi mùa nhãn, gia đình ông Ứng xuất bán hơn 10 tấn long nhãn. Những ngày này, xưởng chế biến của ông Ứng thường xuyên có hàng chục lao động cần mẫn xoáy nhãn để làm long nhãn.

Ông Ứng chia sẻ: "Để bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào, tôi thường xuyên thu mua nhãn của người dân trong xã và các địa phương trong tỉnh về chế biến. Hiện nay, với 2 lò sấy, trung bình 1 ngày, 1 lò chế biến được khoảng 2 tấn nhãn tươi, cho ra khoảng 2 tạ long nhãn thành phẩm. Long nhãn không những bảo quản được lâu hơn mà còn mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với bán quả tươi và được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu".

Nhằm hỗ trợ người trồng nhãn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, cấp mã số vùng trồng cho nhóm cây ăn quả nói chung, trong đó có cây nhãn để minh bạch thông tin đến người tiêu dùng. Đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên có 20 vùng trồng nhãn ở thành phố Hưng Yên và huyện Khoái Châu được cấp mã số phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước: Mỹ, Australia, Trung Quốc và Nhật Bản; 4 khu vực được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, gồm thành phố Hưng Yên và các huyện: Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ. Ngoài ra, ngành chức năng còn hỗ trợ các hợp tác xã, nhà vườn tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại nông sản do các bộ, ngành tổ chức; phối hợp tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm hàng nông sản tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hưng Yên đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ nhãn ảnh 2

Vườn nhãn trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP ở thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Hằng năm, tỉnh Hưng Yên tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ nhãn, như: tổ chức hội nghị kết nối xuất khẩu nhãn và các sản phẩm chế biến từ nhãn sang thị trường Nhật Bản năm 2024; tổ chức Tuần lễ tôn vinh nhãn lồng Hưng Yên năm 2024 tại Khu đô thị Vinhomes Oceanpark 2 với quy mô 50 gian hàng. Sự kiện sẽ được livestream trực tiếp nhằm quảng bá sản phẩm nhãn và các nông sản tiêu biểu của tỉnh trên nền tảng mạng xã hội.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hưng Yên Vũ Quang Thắng cho biết, Tuần lễ tôn vinh nhãn lồng Hưng Yên là hoạt động nhằm tiếp tục giới thiệu, quảng bá và khẳng định chất lượng sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên nói riêng và các mặt hàng nông sản tỉnh Hưng Yên nói chung đến với người tiêu dùng. Đây cũng là dịp để hợp tác xã, nhà vườn, hộ sản xuất, doanh nghiệp ở tỉnh Hưng Yên giới thiệu sản phẩm, lắng nghe đánh giá của người tiêu dùng để nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã, bao bì đóng gói, đa dạng sản phẩm chế biến từ nhãn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Qua đó, nhãn lồng Hưng Yên đã được nhiều doanh nghiệp, siêu thị tìm đến ký kết tiêu thụ. Đến nay, thị trường tiêu thụ nhãn được tiêu thụ qua nhiều kênh như: hàng quà tặng, siêu thị, cửa hàng rau quả sạch, chợ ở các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh... và xuất khẩu sang một số nước.

Ngoài hỗ trợ xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ theo phương thức truyền thống, tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh xúc tiến nông sản đặc trưng của tỉnh Hưng Yên trên nền tảng mạng xã hội, như: Tiktok, Facebook, Zalo. Tổ chức tuần lễ các sản phẩm nông sản và hàng hóa đặc trưng của tỉnh, kích hoạt gian hàng trên các sàn thương mại điện tử: Lazada, Shopee, PosMart… Các Hợp tác xã, nhà vườn đẩy mạnh kênh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử; duy trì các kênh bán hàng qua hệ thống chuỗi các cửa hàng an toàn, siêu thị; tạo kết nối cung-cầu giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, nhà vườn.

Để đưa được nhãn vào các hệ thống phân phối uy tín, các huyện, thành phố hỗ trợ các nhà vườn, hợp tác xã tuân thủ và áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, kỹ thuật thu hái, bảo quản, đóng gói nhãn theo yêu cầu của các đầu mối thu gom; chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, bảo đảm chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.