Huấn luyện bộ đội tinh nhuệ, thiện chiến

Những năm qua, Lữ đoàn Ðặc công Hải quân 126 (Quân chủng Hải quân) luôn nỗ lực vượt khó, thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ðơn vị coi trọng huấn luyện bộ đội tinh nhuệ, thiện chiến, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới.

Chiến đấu viên đặc công nhái chống khủng bố của Lữ đoàn Ðặc công hải quân 126, luyện tập kỹ thuật nhảy dù.
Chiến đấu viên đặc công nhái chống khủng bố của Lữ đoàn Ðặc công hải quân 126, luyện tập kỹ thuật nhảy dù.

Ðiểm nổi bật trong huấn luyện thời gian qua của Lữ đoàn 126 là tiếp tục tập trung huấn luyện bộ đội theo tiêu chí "4 giỏi": Bơi lặn giỏi, bắn súng giỏi, tác chiến giỏi và rèn luyện võ, thể lực giỏi.

Thượng tá Phan Văn Cảnh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Ðặc công 126 cho biết: Quá trình huấn luyện đơn vị luôn bám sát phương châm "cơ bản, thiết thực, vững chắc". Riêng chuyên ngành đặc công nhái chống khủng bố, bên cạnh tiêu chuẩn về trình độ võ thuật, lặn sâu, đòi hỏi chiến đấu viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, linh hoạt, phản xạ nhanh nhạy, sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, địa hình. Ðợt kiểm tra huấn luyện vừa qua, các nội dung huấn luyện bộ đội đều khá, giỏi. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn đoàn kết, nỗ lực vượt khó, làm chủ vững chắc các trang bị, khí tài mới.

Thiếu tá Vũ Ðức Tài, Ðại đội trưởng Ðại đội 2, Tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn cho biết: Huấn luyện dã ngoại trên biển là điều kiện tốt nhất để bộ đội rèn luyện sát thực tế chiến đấu, sát chiến trường. Trước khi đi dã ngoại, đơn vị quán triệt, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cá nhân, yêu cầu toàn đơn vị phải đoàn kết, vượt khó trong điều kiện huấn luyện vất vả. Từng tổ, mũi phải hiệp đồng chặt chẽ, bảo đảm an toàn, hoàn thành tốt nội dung giáo án đã được xác định.

Một trong những giải pháp quan trọng để Lữ đoàn Ðặc công Hải quân 126 huấn luyện bộ đội thiện chiến, tinh nhuệ là đột phá vào khâu huấn luyện cán bộ. Hằng năm, trước khi bước vào huấn luyện, toàn đơn vị đã làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ các cấp bảo đảm thiết thực, sát thực tế chiến đấu. Các quân nhân mới về đơn vị công tác đều được học tập truyền thống, nhiệm vụ của Lữ đoàn. Thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, cấp trên trực tiếp bồi dưỡng cho cấp dưới, đồng chí, đồng đội trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho nhau. Cán bộ trung đội, đại đội đảm nhiệm chức vụ hai năm trở lên đều phải hoàn thành tốt và xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu, yêu cầu đề ra.

Trung tâm Huấn luyện lặn sâu của Lữ đoàn 126 được trang bị nhiều phương tiện, khí tài mới. Sau khi huấn luyện chuyển giao, cán bộ, chiến sĩ tích cực học tập, nghiên cứu để vận hành, làm chủ hoàn toàn hệ thống trang thiết bị phục vụ huấn luyện người nhái. Theo Trung tá Bùi Ðạt Hưng, Chỉ huy trưởng Trung tâm, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đơn vị phát huy tính sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm của từng quân nhân trong xây dựng đơn vị. Trung tâm gắn trách nhiệm cá nhân của chỉ huy, cán bộ, nhân viên chuyên môn trong việc quản lý, khai thác, sử dụng, làm chủ trang bị.

Việc huấn luyện dã ngoại, đặc nhiệm nhái chống khủng bố đòi hỏi cường độ huấn luyện cao. Nếu cán bộ chỉ sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến mất an toàn. Vì thế, cán bộ từ tiểu đội trở lên được chỉ huy các cấp bồi dưỡng, luyện rèn bài bản. Hằng ngày, thông qua giao ban, cán bộ các cấp phải đánh giá kết quả huấn luyện của đơn vị mình. Chỉ huy, người phụ trách các bộ phận huấn luyện dã ngoại xa đơn vị, phải tổng hợp tình hình mọi mặt báo cáo về Lữ đoàn theo phân cấp.