Hứa hẹn mùa hoa Tết bội thu

Từ rằm tháng Chạp, lượng người đổ về bãi sông Hồng, nơi trồng đào, trồng quất của người dân Nhật Tân, Tứ Liên rất đông. Đến thời điểm này, nhiều chủ vườn lớn đã treo biển “hết đào” hay “hết quất” do cây trong vườn đều đã có khách đặt mua.
0:00 / 0:00
0:00
Người trồng đào Nhật Tân phấn khởi vì năm nay đào nở đẹp.
Người trồng đào Nhật Tân phấn khởi vì năm nay đào nở đẹp.

Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến sức tiêu thụ hoa, cây cảnh bị ảnh hưởng, Tết năm nay dự kiến những người trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn Hà Nội sẽ có một mùa bội thu.

Nằm dưới chân cầu Nhật Tân, bãi trồng quất của xã Tàm Xá (huyện Đông Anh, Hà Nội) những ngày giáp Tết vô cùng tấp nập. Những đoàn xe liên tục ra, vào chở quất đi tiêu thụ.

Cùng với đó, mỗi ngày có hàng trăm lượt khách đến tận vườn để chọn quất cảnh. Năm nay, đúng dịp người dân Tàm Xá đảo quất (nhằm điều chỉnh cho quất ra hoa, kết quả đúng Tết) hồi đầu hè thì gặp mưa lớn. Nhưng do có kinh nghiệm chăm sóc, cho nên phần lớn mọi người đều “cứu chữa” kịp thời, để đến hôm nay, cánh đồng quất chín vàng, trông rất đẹp mắt.

Ông Lê Đăng Lại (thôn Đoài) là một người có kinh nghiệm trồng quất nhiều năm. Vườn quất của ông có khoảng 150 gốc, nhưng toàn là cây thế, cỡ lớn, đã trồng nhiều năm nên đều có giá tốt.

Ông Lại chia sẻ: “Nhà tôi ngoài trồng quất, còn trồng một ít đào. Nhìn chung đến thời điểm này cả quất và đào đều đạt yêu cầu. Các cây đều có thế đẹp. Chúng tôi hy vọng sức tiêu thụ sẽ lớn hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”.

Từ một xã chỉ biết đến canh tác lúa, hoa màu, nay Tàm Xá trở thành trung tâm cung cấp đào, quất lớn ở khu vực phía bắc Thủ đô, với khoảng 85ha trồng. Hiện, quất Tàm Xá đã được thành phố Hà Nội cấp nhãn hiệu tập thể và nghề trồng quất nơi đây cũng được công nhận là làng nghề của Thủ đô.

Ở quận Bắc Từ Liêm, nghề hoa đã “bén rễ” từ nhiều năm nay và trở thành nghề truyền thống của người dân. Trong đó, phường Tây Tựu có gần 300ha hoa, là khu vực có diện tích trồng hoa lớn nhất trong nội thành, chưa kể người dân Tây Tựu còn thuê đất khu vực lân cận phát triển nghề hoa.

Những loài hoa được trồng phổ biến nhất ở Tây Tựu để phục vụ Tết gồm: cúc, thược dược, vi-ô-lét, ly, hồng... Khác với các loại đào, quất có thể thu hoạch sớm, những ngày này, người dân Tây Tựu vừa phải chăm sóc, vừa thu hoạch hoa; từ ngày 23 tháng Chạp thì thu hoạch cấp tập. Nghề trồng hoa vốn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên mọi người đều mong từ nay đến Tết trời không quá ấm áp, độ ẩm không cao để có một mùa “bội thu”. Hiện nay, giá hoa Tây Tựu đang thay đổi từng ngày.

Bà Nguyễn Thị Thu, người trồng hoa lâu năm ở Tây Tựu cho biết: “Gia đình tôi trồng 2 sào hoa cúc. Hiện giờ giá đã đạt khoảng 150 nghìn đồng/bó 50 bông. Chúng tôi ngày nào cũng xem diễn biến thời tiết. Nếu tuần sau trời lạnh sâu thì chắc chắn sẽ được mùa”.

Dù Hà Nội có nhiều làng trồng đào, trồng quất, nhưng nói đến đào, Nhật Tân vẫn là “đệ nhất”, tương tự là nghề quất cảnh ở Tứ Liên (cùng địa bàn quận Tây Hồ). Cả Nhật Tân và Tứ Liên đều không phải lo lắng nhiều về việc cạnh tranh bởi ngoài thương hiệu đã được khẳng định từ nhiều năm nay, người dân ở đây tập trung làm đào thế, quất thế với kỹ thuật cao.

Từ rằm tháng Chạp, lượng người đổ về bãi sông nơi trồng đào, trồng quất của người dân Nhật Tân, Tứ Liên rất đông. Nhiều chủ vườn lớn đến thời điểm này đã treo biển “hết đào” hay “hết quất” do cây trong vườn đều đã được đặt, chỉ chờ khách đến chở đi.

Ở Nhật Tân, những cây đào được thuê với giá vài chục triệu đồng trong mấy ngày Tết không phải là hiếm. Đối với đào cành, mức giá phổ biến ở Nhật Tân cũng vào khoảng 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Toàn phường Nhật Tân hiện có 70ha trồng đào và hoa các loại, chủ yếu ở ngoài bãi sông Hồng; vụ Tết Nhâm Dần, doanh thu khoảng hơn 100 tỷ đồng.

Dự kiến, năm nay có thể vượt năm ngoái do kinh tế hồi phục. Cạnh khu vực trồng đào Nhật Tân là khu vực trồng quất cảnh của người dân phường Tứ Liên. Nhiều lúc các chuyến xe chở quất ra, vào khiến con đường tắc nghẽn. Mấy năm trước, người dân Tứ Liên đưa quất vào bình, lọ và tạo ra xu hướng thì nay xu hướng đó tiếp tục được nâng tầm bằng những thế cây đẹp, thậm chí nhiều gia đình kết hợp cây quất thế với những tiểu cảnh, giúp tăng giá trị.

Chị Phạm Thị Hương, chủ một vườn quất ở Tứ Liên cho biết: “Mọi người đều thích quất trong bình vì chơi bền, không lo ảnh hưởng thời tiết. Gia đình tôi bán trung bình một cây là 3-4 triệu đồng nhưng tiêu thụ vẫn tốt”.

Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến sức tiêu thụ không tốt, những người trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn Hà Nội đều mong một mùa hoa Tết bội thu.