Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng tới tăng trưởng xanh

NDO - Định hướng thúc đẩy hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới sẽ tập trung vào các vấn đề nâng cao năng lực thể chế, chính sách liên quan tăng trưởng xanh; phát triển cơ sở hạ tầng bền vững; hợp tác thúc đẩy chuỗi giá trị ít carbon, ít phát thải; xây dựng các điều ước quốc tế, quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế liên quan tăng trưởng xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh diễn đàn.
Quang cảnh diễn đàn.

Đó là 4 định hướng chính được đề cập trong Diễn đàn nghiên cứu Việt Nam-Nhật Bản với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác Nhật Bản-Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh sau dịch bệnh Covid-19” diễn ra ngày 15/2 tại Hà Nội.

Diễn đàn do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp Trường Chính sách công - Đại học Tokyo (GraSPP) tổ chức, thuộc khuôn khổ chương trình kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Viện trưởng CIEM Nguyễn Thị Hồng Minh nhấn mạnh: Những diễn biến phức tạp, khó lường và hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đã buộc các nền kinh tế phải hành động nhanh và quyết liệt hơn hướng tới chuyển đổi xanh, thích ứng hiệu quả biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững. Đặc biệt, các nền kinh tế đã nhìn nhận yêu cầu phải nỗ lực nhiều hơn và gia tăng hợp tác quốc tế về các nội dung gắn với kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó bao gồm đưa mức phát thải ròng về 0 đến năm 2050. Ngoài ra, các cam kết về phát triển bền vững cũng đã được đưa vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Để thực hiện những cam kết đầy tham vọng đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, trong đó có Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP năm 2022 hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường,...

Đó là những bước đi cho thấy Việt Nam đã rất chủ động đề ra nhiều giải pháp thích ứng, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, quá trình thích ứng và giảm nhẹ hệ luỵ của biến đổi khí hậu không phải trách nhiệm của riêng quốc gia nào mà cần có sự hợp tác quốc tế. Đặc biệt, các nền kinh tế đã nhìn nhận rõ yêu cầu phải nỗ lực nhiều hơn và gia tăng hợp tác quốc tế về các nội dung gắn với kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững.

Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về tăng trưởng xanh, Giáo sư Tomonori Sudo (thuộc Đại học Ritsumeikan châu Á Thái Bình Dương) lưu ý 5 vấn đề, gồm: Người dân và các nền kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp bởi căng thẳng về tài nguyên thiên nhiên và rủi ro môi trường; tăng trưởng xanh là yếu tố sống còn để bảo đảm một tương lai bền vững hơn và có thể mang lại lợi ích kinh tế và xã hội lớn theo thời gian. Lợi ích tiềm năng từ tăng trưởng xanh là khá lớn, nhưng cần phải hài hòa các ưu tiên ngắn hạn với các mục tiêu phát triển bền vững dài hạn để chuyển đổi sang một mô hình tăng trưởng mới.

Trên thế giới, ngày càng có nhiều thí dụ về việc thực hiện các chính sách tăng trưởng xanh với những kết quả đầy hứa hẹn, nhưng những nỗ lực mới chỉ diễn ra trong thời gian gần đây và còn hạn chế về phạm vi. Trước thực tế đó, cần có một chương trình nghị sự chính sách song hành để hướng dẫn hành động quốc gia và quốc tế về tăng trưởng xanh ở các nước đang phát triển.

“Tăng trưởng xanh không chỉ là không tác động đến môi trường mà còn biết biến vốn môi trường thành vốn kinh tế và vốn xã hội”, Giáo sư Tomonori Sudo lưu ý.