Theo TTXVN, bài viết đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong ba thập kỷ qua. Trong khoảng thời gian hơn 30 năm, Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hằng năm 7%. Việt Nam cơ bản đã xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và hướng đến cải thiện đời sống của hàng triệu người dân.
Bài viết lưu ý, Việt Nam có thể đạt được những tiến bộ vượt bậc dù cũng có một lịch sử thuộc địa lâu dài và nhiều thập kỷ chiến tranh như các nước ở châu Phi. Tác giả nêu ra những yếu tố then chốt tạo nên sự thành công của Việt Nam như ngày nay là đội ngũ lãnh đạo chính trị mạnh mẽ, một nhà nước sẵn sàng làm việc với lĩnh vực tư nhân, chính sách và đầu tư vào nguồn nhân lực.
Với mục tiêu đạt mức thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam đang tìm kiếm các thị trường cận biên và cơ sở sản xuất mới. Dù là một nền kinh tế thiên về xuất khẩu, với giá trị xuất khẩu chiếm 201% GDP, thương mại của Việt Nam với châu Phi còn hạn chế. Tác giả bài viết cho rằng, nếu hai bên hợp tác tốt, các quốc gia châu Phi có thể thu được nhiều lợi ích từ cách tiếp cận của Việt Nam đối với châu lục này.
Theo bài viết, Việt Nam đang mang đến cơ hội học hỏi và phát triển chung. Chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin và học hỏi cùng làm là một trong những lĩnh vực Việt Nam đang đặt ra cho châu Phi. Để tận dụng lợi thế này, các chính phủ châu Phi đang tìm kiếm quan hệ đối tác với Việt Nam.
Bài viết kết luận, mô hình hợp tác phát triển toàn cầu đang thay đổi và châu Phi cần các đối tác phi truyền thống để học hỏi và phát triển cùng. Việt Nam là một trong những đối tác như vậy.
Nhận định nêu trên được đưa ra trong bối cảnh có những bước tiến triển tích cực trong quan hệ giữa Việt Nam và châu Phi. Tại kỳ họp lần thứ 5 Diễn đàn Đối tác liên Chính phủ Việt Nam-Nam Phi về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ và văn hóa diễn ra gần đây do Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu và Thứ trưởng Hợp tác và Quan hệ quốc tế Nam Phi Candith Mashego-Dlamini (C.M.La-mi-ni) đồng chủ trì, Thứ trưởng Dlamini đã nhấn mạnh vị trí quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nam Phi tại khu vực châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng. Thứ trưởng cũng bày tỏ vui mừng khi Nam Phi vẫn duy trì là bạn hàng thương mại lớn của Việt Nam tại châu Phi; đồng thời khẳng định Nam Phi muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác như khoa học-công nghệ, giáo dục, bảo vệ môi trường, an ninh-quốc phòng…
Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi cho biết: “Bất chấp tác động của dịch Covid-19, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi vẫn không ngừng phát triển. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 1,4 tỷ USD; trong đó Việt Nam xuất siêu gần 850 triệu USD, tăng 6% so năm 2019.
Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng cho biết, Việt Nam và Ai Cập có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và có nhiều tiềm năng cũng như thế mạnh để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thủy hải sản, dệt may, du lịch, kinh tế biển, công nghiệp điện-điện tử, logistics, khí đốt... Tuy nhiên, trao đổi thương mại giữa hai nước hiện chưa tương xứng tiềm năng hợp tác của hai bên.
Theo Đại sứ Nguyễn Huy Dũng, Việt Nam và Ai Cập sẽ tiếp tục phối hợp rà soát để triển khai các thỏa thuận đã ký giữa hai nước nhân các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước. Trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Đại sứ quán sẽ đẩy mạnh các hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động quảng bá văn hóa và xúc tiến thương mại-đầu tư tại các địa phương của Ai Cập, góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả.