Tại lễ ký kết, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết: “Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội mong muốn tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các đối tác quốc tế nhằm thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; tiến tới mục tiêu xóa nghèo ở mọi chiều cạnh, cho mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm”.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm cốt lõi rất mới so với giai đoạn 2016-2020 trước đây. Chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.
Phương thức hỗ trợ người nghèo cũng thay đổi. Sẽ chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo thông qua việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, tập trung hỗ trợ người nghèo giải quyết những vấn đề quan trọng nhất với họ như sinh kế, học nghề, việc làm, có thu nhập ổn định. Bổ sung một số dự án, tiểu dự án, nội dung mới ở vùng nghèo, vùng khó khăn như phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, hỗ trợ nhà ở, cải thiện dinh dưỡng, truyền thông nhân rộng sáng kiến giảm nghèo và khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng nghèo.
Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết: “Dự án này thể hiện cam kết của UNDP trong việc hỗ trợ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hiện thực hóa tầm nhìn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Các giải pháp sáng tạo mà chúng tôi đã được thử nghiệm thành công sẽ được áp dụng rộng rãi hơn, giúp đạt được mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia là giảm một nửa số hộ nghèo và cận nghèo vào năm 2025”.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie cho biết: “Australia cam kết hỗ trợ tăng trưởng bền vững và bao trùm ở Việt Nam. Thông qua quan hệ hợp tác, DFAT có thể khuyến nghị Việt Nam nghiên cứu, xây dựng, thực hiện các giải pháp sáng tạo, đổi mới về giảm nghèo bền vững”.
Theo đó, Dự án UNDP-MOLISA-DFAT “Xây dựng chương trình và tư vấn chính sách về giảm nghèo đa chiều và bền vững, giai đoạn 2021-2023" đã hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng một số nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; tạo cơ chế thông thoáng hơn cho chính quyền và người dân địa phương sáng tạo, phát huy nội lực cộng đồng; áp dụng các giải pháp sáng tạo đã được thử nghiệm thành công giúp giảm nghèo nhanh và bền vững trong các dự án hỗ trợ phát triển sinh kế và tạo thu nhập; đồng thời huy động các doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị, cùng đồng hành với người dân hỗ trợ kỹ thuật cải thiện sinh kế; nghiên cứu, khuyến nghị chuẩn nghèo và các công cụ đo nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, qua đó góp phần hỗ trợ hàng triệu người dân gặp khó khăn, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 được thụ hưởng chính sách hỗ trợ kịp thời.
Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chuyển đổi số trong quản lý và thực hiện Chương trình, qua đó thông tin chỉ đạo cũng như kết quả thực hiện Chương trình được cập nhật và chia sẻ kịp thời, giúp cho việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, các giải pháp sáng tạo được nhanh chóng và hiệu quả.