Năm 2019, nhằm phê chuẩn bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã cam kết loại trừ các chất hydrofluorocarbons (HFC) - khí tổng hợp thường dùng trong ngành lạnh và đang trở thành một nguồn phát thải khí nhà kính lớn, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo thỏa thuận này, phát thải từ các chất HFC sẽ được cắt giảm 80% trong giai đoạn 2024-2045.
Cùng với Thái Lan, Bangladesh, Kenya, Uganda, Colombia và Honduras, Việt Nam đã trở thành quốc gia thành viên của dự án “Sáng kiến làm mát xanh III”.
Dự án đặt mục tiêu nâng cao năng lực của khu vực công và tư trong làm mát xanh và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành lạnh sang các công nghệ đạt hiệu quả năng lượng cao, sử dụng môi chất lạnh tự nhiên như cacbon dioxit, hidrocacbon và amoniac, đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050.
Ông Oemar Idoe, Trưởng Khối các dự án về Môi trường, Biến đổi khí hậu và Nông nghiệp, GIZ Việt Nam-đơn vị thực hiện GCI III, đã hoan nghênh những thành tựu của dự án và ghi nhận quyết định của Chính phủ Việt Nam tự nguyện gia nhập Cam kết “Làm mát toàn cầu tại COP28”. Đây là dấu hiệu đáng khích lệ cho cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy làm mát xanh bền vững.
Dự án góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành điện lạnh sang các công nghệ đạt hiệu quả năng lượng cao. |
Về hoạt động nâng cao năng lực về làm mát xanh và sử dụng an toàn chất làm lạnh tự nhiên gốc hidrocacbon, dự án đã tổ chức thành công 2 khóa tập huấn thực hành cho giảng viên và 5 khóa tập huấn nhân rộng tại Trường cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội và Trường cao đẳng Điện tử-Điện lạnh Hà Nội.
Chuỗi tập huấn của GCI III tổ chức từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024 có sự tham gia của 30 giảng viên nguồn và 75 sinh viên, đóng góp vào xây dựng đội ngũ nhân lực có trình độ cho thị trường làm mát xanh của Việt Nam.
Tại hội thảo, các vấn đề liên quan đến thu thập dữ liệu và thông tin về phân khúc lạnh gia dụng và lạnh bán lẻ trong chuỗi lạnh thực phẩm tại Việt Nam, phân tích thị trường và đề xuất kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng các công nghệ làm mát xanh cho chuỗi lạnh thực phẩm tại Việt Nam đã được các đại biểu trao đổi và ghi nhận...
Sáng kiến Làm mát Xanh III (GCI III) là dự án toàn cầu được Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, An toàn hạt nhân và Bảo vệ người tiêu dùng Liên bang Đức (BMUV) tài trợ thông qua Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI) và thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ). GCI III đặt mục tiêu thúc đẩy “cách tiếp cận làm mát xanh”, tạo điều kiện sử dụng môi chất lạnh tự nhiên và nâng cao hiệu quả năng lượng, từ đó giảm thiểu và tránh các tác động tiêu cực tới khí hậu từ ngành lạnh. GCI III hỗ trợ 7 quốc gia đối tác, trong đó có Việt Nam, chuyển đổi sang các công nghệ làm mát xanh thông qua các hoạt động tư vấn chính sách, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực.