Hợp tác nông nghiệp Việt-Trung kết trái ngọt

NDO - Với hàng loạt nông sản Việt Nam mở cửa thị trường Trung Quốc, nhất là sầu riêng-trái cây được mong đợi lâu nay, hợp tác nông nghiệp giữa hai nước đã bước lên tầm cao mới.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội trái cây Việt Nam được doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc đón nhận nồng nhiệt.
Lễ hội trái cây Việt Nam được doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc đón nhận nồng nhiệt.

Đây là nhận định của tờ Tạp chí Triển lãm Trung Quốc-ASEAN trong bài viết có tựa đề "Hợp tác nông nghiệp Trung Quốc-Việt Nam kết trái ngọt".

Theo tác giả bài viết, Việt Nam và Trung Quốc giáp nhau cả trên bộ và trên biển, từ trước đến nay luôn là đối tác hợp tác nông nghiệp quan trọng của nhau, với kim ngạch trao đổi nông sản đạt tới 9,479 tỷ USD năm 2021, tăng 5,5 lần thời điểm 10 năm trước.

Đặc biệt, với việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực, cũng như hai nước ra tuyên bố chung và đạt nhiều thỏa thuận trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hợp tác nông nghiệp giữa hai nước đang đón nhận những cơ hội mới.

Đều là những nước lớn về nông nghiệp, Việt Nam và Trung Quốc có sự bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu thương mại nông nghiệp: Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc thực phẩm, rau quả nhiệt đới, thủy hải sản; còn Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam rau quả ôn đới, nông sản qua chế biến cũng như các vật tư, thiết bị nông nghiệp.

Trong đó, rau quả đóng vai trò quan trọng trong thương mại nông nghiệp, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam, với kim ngạch lên tới 1 tỷ USD chỉ trong 8 tháng đầu năm 2022. Đáng chú ý, chỉ 1 tháng sau khi lô hàng sầu riêng tươi đầu tiên của Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị, đã có tới 1.277,9 tấn sầu riêng tươi của Việt Nam được Trung Quốc nhập khẩu qua các cửa khẩu ở Quảng Tây.

Với các ưu điểm mùa thu hoạch dài, sản lượng cao, cộng với lợi thế quãng đường vận chuyển ngắn, giá thành sản xuất thấp, sầu riêng Việt Nam đã nhanh chóng trở thành trái cây được đón nhận nồng nhiệt tại Trung Quốc, đủ sức cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan vốn độc chiếm thị trường lâu nay.

Bài báo cho biết, hiện nay, hơn 10 loại trái cây của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, như thanh long, nhãn lồng, chôm chôm, chanh dây, chuối... Cùng với đó, nhiều nông sản mới như bưởi, dừa... cũng đang khởi động quy trình đàm phán mở cửa thị trường, để ngày càng nhiều sản phẩm Việt Nam đến tay người tiêu dùng Trung Quốc.

Ngoài trao đổi thương mại, hợp tác khoa học-công nghệ nông nghiệp cũng đang được đẩy mạnh, trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở sản xuất, chuyển dịch ngành nghề, nghiên cứu chung và trao đổi nhân lực; với nhiều dự án hợp tác phát triển giống mới, nghiên cứu công nghệ, thích ứng biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt... giữa các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học hai bên.

Đánh giá về triển vọng hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Trung Quốc thời gian tới, bài viết cho rằng, Hiệp định RCEP có hiệu lực thực thi trong hơn 1 năm qua, chính là bước đột phá mới để nâng cấp và làm sâu sắc hơn hợp tác song phương. Với các cam kết miễn giảm thuế quan, hai bên sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai hoạt động thương mại nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có thể lựa chọn các ưu đãi thích hợp trong khuôn khổ của Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc hoặc RCEP.

RCEP còn sẽ làm sâu sắc hơn hợp tác nông nghiệp trong toàn bộ chuỗi ngành nghề, thúc đẩy phát triển lĩnh vực trồng trọt với vai trò là khâu đầu tiên trong chuỗi ngành nông nghiệp. Thông qua các cơ hội trao đổi với các quốc gia RCEP trong việc xử lý tranh chấp thương mại, thương hiệu, sở hữu giống cây trồng..., hai bên có thể phối hợp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực trồng trọt, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển lành mạnh. Mặt khác, đối với các khâu giữa và cuối của chuỗi ngành nông nghiệp, như vật tư, máy móc, chế biến nguyên liệu nông nghiệp..., RCEP có thể tạo thuận lợi cho việc thu hút, thúc đẩy doanh nghiệp nước này đầu tư ở nước kia, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Nhận định quan hệ hai nước tiếp tục phát triển ổn định, tích cực, cùng với các chính sách ưu đãi của RCEP dần phát huy hiệu quả, bài viết khẳng định, hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Trung Quốc sẽ ngày càng tốt đẹp, với các tầng nấc sâu hơn trong cả chuỗi ngành nghề như vật tư, máy móc nông nghiệp, chế biến sâu nông sản...; đem lại "bội thu trái ngọt" cho cả hai bên.