Trong đó, về chiến lược hoàn thiện thể chế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện đã tương đối đầy đủ nhưng giai đoạn tới cần nâng chất lượng và trình độ, phải thích ứng được với những thay đổi của thế giới và khu vực, phải đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh WB với nguồn lực và trách nhiệm của mình, có tiếng nói, giải pháp và cách thức hỗ trợ các nước để đạt được mục tiêu toàn cầu nhưng không tạo ra hố sâu ngăn cách lớn hơn giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới Axel van Trotsenburg. |
Theo Chủ tịch Quốc hội, phát triển thị trường vốn, huy động trái phiếu xanh, nguồn vốn xanh, hình thành thị trường carbon... như thế nào là những vấn đề lớn mà Việt Nam rất mong muốn WB và các đối tác quốc tế hỗ trợ, tập trung xây dựng thể chế để xây dựng, vận hành hệ sinh thái liên quan thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh WB hỗ trợ Việt Nam xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045; đề nghị trong quá trình nghiên cứu cần có phân kỳ để hỗ trợ, tư vấn cho Việt Nam các vấn đề về kỹ thuật, hành chính nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đến năm 2030 và mục tiêu phát triển đến năm 2045.
Hiện nay, Quốc hội Việt Nam cũng đang tham vấn các chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc Mạng lưới sáng kiến của Quốc hội Việt Nam về chủ đề, nội dung Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 do Quốc hội Việt Nam tổ chức.
Chủ tịch Quốc hội mong WB và Giám đốc WB tại Việt Nam nghiên cứu, đề xuất, tư vấn cho Quốc hội Việt Nam về vấn đề này và tham dự Diễn đàn, đóng góp ý kiến cho Quốc hội Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn trong thời gian tới, WB quan tâm và ưu tiên hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện “hạ tầng mềm”, trong đó có hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho việc hoàn thiện thể chế, chính sách và các hệ sinh thái phát triển.
Về “hạ tầng cứng”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị WB tập trung tư vấn, hỗ trợ Việt Nam xây dựng các hạ tầng trọng điểm quốc gia có tính chất liên vùng, tạo động lực lan tỏa vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh WB đã và đang có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ khu vực này trong thích ứng với biến đổi khí hậu; đề nghị cần có các hỗ trợ cả về giải pháp công trình và phi công trình.
Dù là giải pháp nào, theo Chủ tịch Quốc hội, đều phải đặt trong tổng thể quản lý tổng hợp trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước theo vùng và tiểu vùng chứ không phải theo địa giới hành chính.
Quang cảnh buổi tiếp tại nhà Quốc hội. |
Tổng Giám đốc Axel van Trotsenburg nêu rõ, WB mong muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045, xem xét hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và 2045 và WB có thể hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam để đạt hiệu quả tốt nhất. Hiện WB và Chính phủ Việt Nam cũng đang phối hợp xây dựng Khung Chiến lược hợp tác giữa hai bên cho giai đoạn 2023-2027.
Nhấn mạnh đến ứng phó biến đổi khí hậu là vấn đề khiến nhiều nước quan tâm, Tổng Giám đốc Điều hành WB cho biết, WB đã hợp tác với nhiều nước và xây dựng báo cáo khí hậu và phát triển của quốc gia.
Trong giai đoạn đầu tiên, WB cùng xây dựng với 25 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh Hội nghị COP-26 và hướng tới COP-27 tới đây, WB luôn sẵn sàng hợp tác với Quốc hội Việt Nam về lĩnh vực này.
Ông Axel van Trotsenburg đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và WB đang rất tích cực, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương đang có những khó khăn với các xung đột đang diễn ra trên thế giới, hai bên vẫn hợp tác chặt chẽ cùng nhau nhằm nâng cao đời sống của người dân, giảm nghèo, tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế rất khó giải quyết trong nội bộ một quốc gia như thích ứng với biến đổi khí hậu, y tế... Do đó, WB rất mong muốn và sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới Axel van Trotsenburg với các đại biểu tại buổi tiếp. |
Bày tỏ đồng tình với các nhận định của ông Axel van Trotsenburg, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Hiện nay, Việt Nam đang triển khai quyết liệt Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, là một trong những quốc gia sớm cụ thể hoá các Mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình nghị sự quốc gia, các luật, nghị quyết của Quốc hội và hành động của Chính phủ.
Để thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam rất cần sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có WB.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại COP-26, Việt Nam đã đưa ra cam kết rất mạnh mẽ đến năm 2050 đưa mức phát thải ròng về bằng 0. Đây là mức cam kết ngang bằng với các nước châu Âu, thể hiện quyết tâm rất cao và trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Nhấn mạnh để thực hiện mục tiêu này, ngoài nỗ lực của Việt Nam, cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có WB; Chủ tịch Quốc hội cho rằng: việc xác định lộ trình, bước đi và phương thức thực hiện như thế nào là rất quan trọng để bảo đảm sự cân bằng giữa lợi ích và chi phí.
Ông Axel van Trotsenburg cho biết, WB tăng thêm 50% số vốn cam kết hợp tác với các quốc gia, lên mức 200 tỷ USD, trong giai đoạn 3 năm gần đây so giai đoạn trước Covid-19 nhằm hỗ trợ các nước có thể ứng phó nhanh chóng trước những thách thức, khủng hoảng nhưng đồng thời cũng phải hướng đến các mục tiêu phát triển dài hạn và bền vững.
Trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, từ năm 2019 đến nay, WB cũng đã tăng nguồn vốn hợp tác với các nước từ 14 tỷ USD lên 26 tỷ USD. WB khẳng định sẵn sàng thảo luận sâu hơn với các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội Việt Nam về các lựa chọn chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững và đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu...