Hợp tác đa phương cần đặt người dân ở vị trí trung tâm

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng tại trụ sở ở New York (Mỹ) với chủ đề “Hợp tác đa phương vì một trật tự quốc tế công bằng, dân chủ và bền vững hơn”. Theo TTXVN, phiên họp do Bộ trưởng Ngoại giao Nga, nước giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 7, Sergey Lavrov chủ trì với sự tham dự và phát biểu của đại diện hơn 50 quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Ðại sứ Ðặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Ðại sứ Ðặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Tại phiên họp, phần lớn các nước nhấn mạnh cần củng cố hợp tác đa phương để ứng phó các thách thức toàn cầu đa chiều, phức tạp hiện nay mà không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết; đề cao luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc là nền tảng vững chắc để xây dựng một trật tự thế giới công bằng, dân chủ và bền vững.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Ðại sứ Ðặng Hoàng Giang nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp và Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là các nguyên tắc về tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp có ý nghĩa quyết định đối với việc duy trì hợp tác đa phương hiệu quả. Bên cạnh đó, hợp tác đa phương cần đặt người dân vào vị trí trung tâm, tôn trọng và nỗ lực hiện thực hóa nguyện vọng chính đáng của người dân được sống trong hòa bình, thịnh vượng và xã hội tiến bộ.

Ngoài ra, cần cải cách mạnh mẽ để nâng cao tiếng nói và tính đại diện của các nước đang phát triển tại các thể chế đa phương có ảnh hưởng quan trọng tới tình hình an ninh, kinh tế và xã hội thế giới.

Ðại sứ khẳng định Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, nỗ lực củng cố hệ thống đa phương ở cấp độ khu vực và toàn cầu thông qua sự tham gia tích cực và thúc đẩy các sáng kiến trong khuôn khổ các tổ chức khu vực và quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là tại ASEAN và Liên hợp quốc. Việt Nam có những đóng góp quan trọng trong thực hiện các cam kết chung trong các lĩnh vực hòa bình, an ninh, phát triển bền vững và thúc đẩy nhân quyền, trước hết là vì người dân, để cùng hướng tới thúc đẩy một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.