Phiên họp toàn thể được tổ chức theo hình thức trực tuyến, dưới sự điều hành của Chủ tịch AIPA, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam, Abdul Rahman Taib Pehin Orang Kaya Seri Lela, các đại biểu nghe các Trưởng đoàn các nước thành viên, quan sát viên, khách mời và Tổng Thư ký AIPA, ASEAN phát biểu.
Các Trưởng đoàn chúc mừng và cảm ơn Hội đồng Lập pháp Brunei đã nỗ lực tổ chức Đại hội đồng AIPA lần thứ 42 thông qua hình thức trực tuyến như một minh chứng rằng, AIPA vẫn tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình để củng cố sự hợp tác của ASEAN ngay giữa đại dịch; đồng thời, bày tỏ chia buồn sâu sắc với những mất mát, thiệt hại về người bởi đại dịch Covid-19 trong khu vực.
Trao quyền nhiều hơn cho các Chính phủ
Nhấn mạnh, thế giới và khu vực đang phải đối mặt với thách thức đặt ra bởi sự đột biến liên tục của virus SARS-CoV-2, các Trưởng đoàn khẳng định, đây là thách thức lớn không quốc gia nào có thể đối diện một mình, nêu rõ tầm quan trọng của hợp tác quốc tế để đối phó với những thách thức toàn cầu; đánh giá cao Chính phủ các nước trong khu vực vừa qua đã ứng phó kịp thời.
Các Trưởng đoàn kêu gọi thúc đẩy hơn nữa hợp tác chia sẻ thông tin để đối phó với sự lây lan của virus SARS-CoV-2, hợp tác nghiên cứu, cung cấp và tiếp cận công bằng về vaccine, thiết bị y tế, dược phẩm...
Vấn đề quan trọng nữa là cần trao quyền nhiều hơn cho các Chính phủ để chủ động, linh hoạt ứng phó hiệu quả với dịch bệnh; sớm phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do liên khu vực, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 quốc gia ASEAN và 5 nước đối tác cho quá trình phục hồi sau đại dịch.
Các nhà lãnh đạo đánh giá cao việc nước Chủ tịch AIPA Brunei đề xuất chủ đề Đại hội đồng năm nay là phát triển quan hệ đối tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025, hướng đến một cộng đồng ASEAN bao trùm hơn, với cơ sở hạ tầng, kết cấu và kết nối hàng đầu, bảo đảm được tính an toàn, bền vững cao.
Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin cho rằng, công nghệ số ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Tuy nhiên, khi số hóa thì cũng kéo theo nhiều vấn đề phải đối mặt. Một trong số đó là khoảng cách về phát triển công nghệ số, việc thiếu hiểu biết về công nghệ số hóa và an ninh mạng.
Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân Indonesia Puan Maharani nhất trí rằng, đại dịch Covid-19 thúc đẩy sử dụng kỹ thuật số để khắc phục đứt gãy ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, thực tế là có một số nhóm người dân có sự thích ứng rất tốt với sự chuyển đổi số, nhưng một số nhóm khác lại cần có sự giúp đỡ của nhà nước.
Chủ tịch Hạ viện Malaysia Datuk Azhar Azizan Harun lưu ý rằng, có nhiều thách thức tồn tại khi thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật số, nhất là việc có thể dẫn tới một kiểu bất bình đẳng mới. Chẳng hạn, một số người có khả năng sử dụng công nghệ, truy cập internet, nhưng vẫn còn nhiều người không có khả năng đó. Đại dịch Covid-19, do vậy càng làm trầm trọng thêm bất bình đẳng trong xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane nêu quan điểm, để xây dựng một Cộng đồng ASEAN tự cường, sáng tạo, AIPA phải tăng cường hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận số của mọi thành viên trong xã hội.
Đại diện lãnh đạo các Đoàn đại biểu Quốc hội, nghị viện và các tổ chức quốc tế kêu gọi gắn kết, hợp tác các nghị viện ASEAN để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, gỡ bỏ rào cản, tạo điều kiện cho Chính phủ các nước trong khu vực cải thiện kết nối số, bảo đảm bình đẳng số hóa, thúc đẩy hợp tác công - tư, nâng cao năng lực số, đặc biệt tại các khu vực kém phát triển cũng như nhận thức và quản lý về an ninh mạng chống lại thông tin sai lệch, bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng...
Dịp này, một số Trưởng đoàn đề cập giải quyết vấn đề Biển Đông và Myanmar thông qua một quá trình đối thoại toàn diện, hợp tác, xây dựng lòng tin, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh, ổn định bền vững ở khu vực...
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ sau đại dịch
Ngay sau phiên họp toàn thể thứ nhất Đại hội đồng AIPA-42, phiên họp Ủy ban Nữ nghị sĩ AIPA đã chính thức diễn ra với chủ đề thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng Đoàn nữ Nghị sĩ Quốc hội Việt Nam phát biểu tại phiên họp.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nữ nghị sĩ AIPA nhấn mạnh vấn đề bình đẳng giới, 30% phụ nữ ASEAN đang gặp khó khăn và chủ yếu làm những công việc gia đình. Dịch bệnh khiến phụ nữ yếu thế hơn; vì thế, việc thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm, nhằm giảm khoảng cách bất bình đẳng giới là điều cần thiết.
Theo ý kiến đóng góp của các quốc gia, việc nâng cao vai trò của phụ nữ đã được nêu rõ trong mục tiêu phát triển bền vững của ASEAN giai đoạn tới và dự thảo nghị quyết đưa ra vấn đề này chứng tỏ tầm quan trọng trong nhận thức của nhiều quốc gia.
Đóng góp ý kiến vào nghị quyết, Đoàn Việt Nam cho rằng, số hóa là tương lai của thế giới và khu vực, nó sẽ là giải pháp hiệu quả cho phụ nữ nếu họ được trao quyền và được tập huấn.
Bên cạnh đó, những khó khăn trong việc hỗ trợ, đặc biệt là về tài chính là một trong những cản trở sự phát triển của phụ nữ cũng như tạo việc làm sau đại dịch Covid 19; do đó rất cần có những hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ trong bối cảnh mới.