Hợp tác bền vững Việt Nam-Hàn Quốc

NDO -

Chiều 25/3, tại thành phố Sầm Sơn, Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc năm 2022” diễn ra thu hút sự tham gia của 650 đại biểu đến từ Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành các cơ quan Trung ương, Đại sứ quán Hàn Quốc, các cơ quan, tổ chức của Hàn Quốc và 11 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Đại biểu tham quan sản phẩm nông sản chế biến sâu của Thanh Hóa bên lề hội nghị.
Đại biểu tham quan sản phẩm nông sản chế biến sâu của Thanh Hóa bên lề hội nghị.

Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất có số vốn lũy kế đạt 74,7 tỷ USD; đối tác thương mại lớn thứ ba, đối tác phát triển ODA, lao động và du lịch lớn thứ hai của Việt Nam. Quan hệ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam ngày càng phát triển sâu rộng.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các bên đã trao đổi định hướng, ưu tiên đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc, triển khai dự án nhanh chóng, hiệu quả của Hàn Quốc, đặc biệt là đóng góp phát triển ngân sách, đào tạo nhân lực cho Việt Nam; đồng thời nêu ra những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư vào Việt Nam như: công nghệ cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số; năng lượng sạch, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, dịch vụ chất lượng cao; các khu công nghiệp xanh, quản trị doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, đại diện tỉnh Thanh Hóa bày tỏ mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác Hàn Quốc trong các lĩnh vực: xây dựng thành phố thông minh, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển về giáo dục, y tế, nguồn nhân lực, thị trường lao động, và tiếp nhận thêm các dự án viện trợ ODA sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc trong các lĩnh vực: quản lý hành chính công, y tế, giáo dục đào tạo, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị...

Đại diện tỉnh Nghệ An trao đổi về chiến lược, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xanh, định hướng ưu tiên như lắp ráp, nông nghiệp công nghệ cao...

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ các biện pháp thu hút, phát huy hiệu quả đầu tư, như: khơi thông tiềm lực con người, phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quy hoạch chiến lược, hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành; sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư công, thúc đẩy, dẫn dắt đầu tư; có hệ thống chính quyền hoạt động hiệu lực hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Trong phiên chia sẻ, trao đổi các nội dung hợp tác về văn hóa-phát triển du lịch, phía Hàn Quốc nhấn mạnh, đầu tư cho văn hóa là đầu tư dài hạn nên cần có phương hướng đầu tư đúng đắn. Việt Nam cần chuẩn bị cơ chế dài hạn trên cơ sở tiếp thu sáng tạo, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực văn hóa dài hạn; lập quỹ văn hóa để đầu tư dài hạn cho văn hóa, đầu tư ổn định cho sáng tạo, hỗ trợ thế hệ trẻ tiếp cận trung và dài hạn; phát triển ngành công nghiệp văn hóa, khai thông, tham gia thị trường văn hóa xuyên quốc gia. Tỉnh Thanh Hóa nên đưa ra sản phẩm nổi trội, tham gia marketing quốc gia để thu hút khách du lịch.

Phát biểu kết luận hội nghị, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ Hàn Quốc cho rằng, quyết tâm cao độ của lãnh đạo các tỉnh, thành phố, sự tham gia nhiệt tình của các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp, mở màn thành công chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc.

Hai bên kỳ vọng, năm 2022 là năm đánh dấu bước phát triển bứt phá trong quan hệ chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc với tầm nhìn mới, tinh thần hợp tác mới bền vững, lâu dài, lan tỏa, có thêm những lĩnh vực hợp tác mới, mục tiêu mới.