Hòn Sơn Chà và khu vực Nam núi Hải Vân thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng

NDO - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng.
0:00 / 0:00
0:00
Hòn Sơn Chà và khu vực Nam núi Hải Vân thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Hòn Sơn Chà và khu vực Nam núi Hải Vân thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Cụ thể, theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, việc xác định địa giới hành chính giữa Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Nội vụ, ý kiến của các đại biểu, Hội đồng thẩm định thống nhất với đề xuất của Bộ Nội vụ xác định địa giới đơn vị hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Đà Nẵng theo hướng: Tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý khu vực Bắc núi Hải Vân; Thành phố Đà Nẵng quản lý hòn Sơn Chà và khu vực Nam núi Hải Vân.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc xác định địa giới đơn vị hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng theo kết luận nêu trên.

Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.

Hòn Sơn Chà và khu vực Nam núi Hải Vân thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng ảnh 2

Một góc Di tích lịch sử quốc gia Hải Vân Quan. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Liên quan đến công tác phối hợp khai thác, quản lý Di tích lịch sử quốc gia Hải Vân Quan, vừa qua, tại Hải Vân Quan, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức họp bàn công tác phối hợp quản lý, khai thác phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.

Đây là Di tích lịch sử quốc gia do hai địa phương là Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cùng quản lý.

Năm 2021, di tích này đã được hai địa phương cùng trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí 42 tỷ đồng, đã khánh thành, mở cửa đón khách tham quan từ tháng 8/2024.

Hai địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ để để tìm giải pháp quản lý hiệu quả khi di tích này đưa vào khai thác, bán vé tham quan sau thời gian mở cửa miễn phí.