Chiêm ngưỡng Hải Vân Quan mới

Từ một điểm di tích hoang phế, Hải Vân Quan, đỉnh đèo trên ranh giới giữa TP Đà Nẵng với tỉnh Thừa Thiên Huế đã chứng kiến sự lột xác sau thời gian dài trùng tu. Mới đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng đã thống nhất mở cửa tham quan miễn phí cho du khách từ ngày 1/8.
0:00 / 0:00
0:00
Chiêm ngưỡng Hải Vân Quan mới

Mục tiêu của việc mở cửa lần này nhằm “đo lường” lượng khách, kiểm tra hiệu quả việc tiếp đón, tập dượt thuyết minh, qua đó, thu thập ý kiến đóng góp cho đến khi hai địa phương hoàn tất các thủ tục, thống nhất quản lý, phát huy giá trị di tích theo đúng luật.

Được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, tuyến Quốc lộ 1 cũ bắc-nam đi qua đỉnh đèo Hải Vân từ lâu là điểm dừng chân của nhiều người trên hành trình dài. Cụm di tích được công nhận là Di tích cấp Quốc gia năm 2017 này được nhà Nguyễn xây dựng trên vị trí hiểm yếu nhất để kiểm soát tuyến đường bộ và vịnh Đà Nẵng, có chức năng phòng thủ quân sự cho kinh thành Huế. Sau gần 200 năm tồn tại, nhiều hạng mục công trình xuống cấp, hư hỏng, thậm chí vỡ nát vì thời tiết và chiến tranh, năm 2021, sau quá trình dài xúc tiến các thủ tục, chính quyền Đà Nẵng và Huế đã thống nhất thực hiện dự án trùng tu với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng.

Dựa trên dấu tích khảo cổ và ảnh tư liệu, các chuyên gia, đơn vị trùng tu đã tu bổ theo các dấu tích nguyên gốc thời vua Minh Mạng năm 1826. Các hạng mục xưa cũ đều được tham vấn kỹ bởi các chuyên gia và nhà sử học trước khi bắt tay vào công việc. Hệ thống lô-cốt thời chiến tranh chống Pháp, Mỹ cạnh di tích cũng được giữ lại. Đơn vị trùng tu cũng đã phục dựng phần cổng chính sử dụng gạch vồ bao quanh bởi tường đá, giữa cổng là dòng chữ “Hải Vân Quan” được khắc bằng chữ Hán.

Từ cổng chính nhìn vào, du khách có thể thấy tòa nhà trú sở (nơi nghỉ ngơi, làm việc của binh lính canh gác), nhà vũ khố (nơi cất giữ, bảo quản vũ khí của triều đình). Từ vị trí này, nhìn về phía bắc là vịnh Lăng Cô đẹp như tranh vẽ cùng những cung đường đèo uốn lượn, còn phía nam là TP Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà, cầu Thuận Phước. So với hình ảnh hoang tàn, phế tích đổ nát khi xưa, giờ đây Hải Vân Quan đã là một di tích sống động với tường đá, các cổng vào bề thế.