Theo các báo cáo tại Hội nghị, trong giai đoạn 2017-2020, Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp vận động được hơn 8,5 triệu gia đình hội viên ký cam kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm.
Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng hơn tám nghìn mô hình sản xuất an toàn; gần sáu nghìn mô hình liên kết sản xuất an toàn; hơn 880 cửa hàng an toàn; gần 15.500 tổ hội/chi hội nghề nghiệp với gần 200 nghìn hội viên tham gia. Trong đó, nhiều mô hình được đạt chứng nhận VietGAP, BlobalGAP, hữu cơ...
Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ xây dựng gần 2.400 mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 720 cửa hàng kinh doanh, giới thiệu nông sản, thực phẩm an toàn.
T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai công tác giám sát việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm không an toàn tại 19 tỉnh, thành phố, từ đó thực hiện giám sát gần 9.600 cơ sở.
Thống kê từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: đã triển khai tuyên truyền, biểu dương hơn 12 nghìn điển hình tập thể, cá nhân hội viên tiên tiến về thực hiện an toàn thực phẩm. Hội Nông dân Việt Nam đã đưa nội dung ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam.
Nhìn chung, Chương trình 526 giai đoạn vừa qua đã chứng minh hiệu quả sự phối hợp giữa Chính phủ với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nhờ đó, không còn hiện tượng "rau hai luống, lợn hai chuồng", lạm dụng hóa chất trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên cả nước; thôi thúc hội viên hai tổ chức Hội tìm tòi cách thức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ mới, liên kết để tạo ra sản phẩm an toàn, phát triển bền vững ngành nghề.
Báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tính đến tháng 10-2020 cho thấy: diện tích nông sản ứng dụng VietGAP và các chuẩn tương đương đã tăng lên 170 nghìn ha (gấp bốn lần so với năm 2019); diện tích nuôi trồng thủy sản đạt chuẩn VietGAP và tương đương là hơn 6.300 ha (tăng 1,2 lần so với năm 2019); phát triển được hơn 1.600 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên cả nước (tăng 122 chuỗi so với năm 2019).