Hơn 800 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Thái Bình được vay vốn tín dụng chính sách

NDO - Xác định xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội là điều kiện bảo đảm cho sự phát triển ổn định và bền vững của tỉnh Thái Bình; trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội là công cụ tài chính đắc lực giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Hơn 141 nghìn hộ dân ở Thái Bình thoát nghèo thông qua nguồn tín dụng chính sách.
Hơn 141 nghìn hộ dân ở Thái Bình thoát nghèo thông qua nguồn tín dụng chính sách.

Tại buổi tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bình cho biết, tổng doanh số cho vay trong 20 năm qua đạt hơn 13 nghìn 400 tỷ đồng, với gần 870 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận với tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.

Thông qua đây, đã giúp cho 141.907 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho hơn 91 nghìn lao động; hơn 94 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ sửa chữa hơn 4.700 ngôi nhà cho hộ nghèo…

Vốn tín dụng chính sách góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả.

Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh Thái Bình là 2,4%. Đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện.