Chung vui cùng giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh, tỉnh Ninh Bình đã thành lập 10 đoàn đại biểu của tỉnh dự lễ khai giảng tại 10 cơ sở giáo dục trong tỉnh; các cấp chính quyền địa phương cũng có các đoàn đại biểu dự lễ khai giảng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Theo ghi nhận của phóng viên, buổi lễ khai giảng tại các nhà trường trên địa bàn tỉnh diễn ra trang trọng và ý nghĩa, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, bảo đảm an toàn về sức khỏe đối với học sinh, giáo viên và bảo vệ môi trường, tạo được không khí ngày hội khai trường của học sinh.
Lễ Khai giảng ở Trường trung học phổ thông Chuyên Lương Văn Tụy (thành phố Ninh Bình). |
Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 477 cơ sở giáo dục, với 264.578 trẻ mầm non, học sinh, học viên (trong đó cấp mầm non có 62.361 học sinh; tiểu học là 94.728 học sinh; trung học cơ sở là 70.227 học sinh; trung học phổ thông có 32.248 học sinh và giáo dục thường xuyên là 5.014 học viên).
Ninh Bình tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn
Trước thềm năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các đơn vị, trường học kiểm tra, rà soát hiện trạng cơ sở vật chất, tham mưu với chính quyền địa phương tiến hành cải tạo sửa chữa, nâng cấp ngay trong dịp hè.
Đến nay, toàn tỉnh không còn phòng học và các hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh và giáo viên; một số cơ sở giáo dục có phòng học và hạng mục công trình xây dựng xuống cấp nhẹ đang được các địa phương khẩn trương khắc phục để bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất chuẩn bị bước vào năm học mới 2024-2025.
Cùng với nguồn vốn ngân sách của Trung ương, của tỉnh, huyện miền núi Nho Quan (Ninh Bình) đã huy động các nguồn lực đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị cho các xã vùng dân tộc thiểu số. |
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình Phan Thành Công cho biết, năm học 2024-2025 là năm học kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; kết thúc Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả các khối lớp.
Ngành giáo dục và đào tạo Ninh Bình xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu như: Kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận mới, nâng mức độ chuẩn cho 12 trường học đạt chuẩn quốc gia; nâng tỷ lệ phòng học kiên cố lên 92,4%; thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông có ít nhất 65% học sinh dự thi đạt giải, trong đó tỷ lệ đạt giải chính thức từ 70% trở lên; 100% các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai học bạ điện tử; đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục, trong đó tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào giảng dạy; triển khai học bạ số các cấp học; ứng dụng các nền tảng số trong quản trị trường học.
Tiếp tục đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo trong quản trị và định hướng phát triển của các nhà trường, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, bám sát phương châm: lấy người học là trung tâm, là chủ thể, thầy cô là động lực, nhà trường làm bệ đỡ, gia đình là điểm tựa, xã hội là nền tảng. Xây dựng nhà trường vừa là trung tâm giáo dục, vừa là trung tâm văn hóa có môi trường dân chủ, nhân ái, nghĩa tình, nơi con người được tôn trọng, được yêu thương, được trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo để phát triển...