Qua hơn một năm triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp và phục hồi (từ tháng 11/2020 đến tháng 12/2021), hơn 730.000 người dân thuộc 12 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên đã được trợ giúp với tổng giá trị hơn 217 tỷ đồng.
Năm 2020 được ghi nhận là một năm thiên tai có diễn biến cực đoan, khó lường, với những đợt “lũ chồng lũ”, “bão chồng bão”. Để kịp thời hỗ trợ người dân miền trung khắc phục hậu quả do mưa lũ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp (tiền mặt, thùng hàng gia đình, gói hàng cứu trợ khẩn cấp, bộ dụng cụ sửa nhà, gạo, nước đóng chai, bột lọc nước P&G, thuyền máy), đồng thời đưa ra Lời kêu gọi trong nước và phối hợp Hiệp hội Chữ thập đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế ban hành Lời kêu gọi quốc tế ủng hộ Việt Nam, nhằm vận động nguồn lực triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân giai đoạn phục hồi.
Trong tổng kinh phí triển khai các hoạt động cứu trợ trị giá hơn 217 tỷ đồng bao gồm: nguồn hỗ trợ từ Trung ương Hội trị giá trên 11 tỷ đồng; nguồn hỗ trợ từ các tỉnh, thành Hội không bị thiên tai trị giá trên 105 tỷ đồng; nguồn từ Lời kêu gọi trong nước và quốc tế thực hiện thông qua các dự án trị giá gần 101 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ Lời kêu gọi trong nước và quốc tế, đã có 10 chương trình, dự án được triển khai trợ giúp hơn 50.000 hộ gia đình, tập trung vào các lĩnh vực: lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu thông qua cấp tiền mặt đa mục đích; chỗ ở và mặt hàng phi lương thực (xây, sửa nhà, áo phao đa năng, thùng hàng gia đình, bộ nấu ăn, bộ dụng cụ sửa nhà); tiền mặt phục hồi sinh kế (cây, con giống); nước sạch, vệ sinh trong tình huống khẩn cấp; chăm sóc sức khỏe trong tình huống khẩn cấp; trường học an toàn; quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, Hội nghị tổng kết Chương trình cứu trợ các tỉnh miền trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ năm 2020 nhằm nêu bật kết quả triển khai thực hiện Chương trình trong thời gian qua, đánh giá những điểm mạnh, điểm tích cực trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình; đúc rút những bài học kinh nghiệm, những mô hình hiệu quả, bền vững trong cứu trợ thiên tai, thảm họa, đặc biệt là cứu trợ thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; làm rõ những điểm còn hạn chế, những nội dung cần tăng cường và chú trọng hơn trong thời gian tới.
Qua đó, làm cơ sở để Hội chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược và nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đóng góp tích cực vào công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa của đất nước.