Ngày 6/10, tại Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng/Bộ Quốc phòng), Ban Tuyên giáo (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) tổ chức ký kết Kế hoạch phối hợp liên ngành trong hoạt động của đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua, bán người giai đoạn 2021-2025.
Mục đích của Kế hoạch này nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, đặc biệt trong tiếp nhận, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong các hoạt động phối hợp đường dây nóng của các cơ quan, đơn vị liên ngành ở Trung ương và địa phương để đường dây nóng hoạt động một cách hiệu quả. Gắn với đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả kết nối và hỗ trợ của đường dây nóng đối với nạn nhân bị mua, bán…
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành trong hoạt động của đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua, bán người. Hoạt động trên góp phần vào những kết quả đầu ra của dự án cả về tập huấn, nâng cao năng lực truyền thông, công tác phối hợp trao đổi thông tin thường xuyên cũng như hỗ trợ kịp thời nạn nhân mua, bán người.
Chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm nay, đường dây nóng tiếp nhận 2.129 cuộc gọi.
Trong đó, có 1.830 cuộc gọi cung cấp thông tin, 274 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, 25 ca chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ nạn nhân.
Ông Đặng Hoa Nam cho biết thêm, từ khi đường dây nóng bắt đầu hoạt động đến hết tháng 9/2021, Đường dây nóng tiếp nhận 21.046 cuộc gọi, trong đó có 16.130 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng và phòng, chống mua, bán người. 4.495 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, 421 ca chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ cho 457 nạn nhân.
“Sau 5 năm thực hiện Kế hoạch phối hợp liên ngành trong hoạt động của đường dây nóng phòng, chống mua, bán người giai đoạn 2015-2020 giữa 4 cơ quan, Kế hoạch phối hợp liên ngành giai đoạn 2021-2025 đã được đánh giá, bổ sung, sửa đổi để phù hợp với giai đoạn mới của chương trình phòng, chống mua, bán người ” - ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Ông Đặng Hoa Nam tin tưởng, với những cam kết, trách nhiệm và quy trình phối hợp chặt chẽ của nội dung Kế hoạch phối hợp liên ngành giai đoạn 2021-2025, hoạt động của đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua, bán người sẽ ngày càng hữu ích, đóng góp hiệu quả vào hoàn thành các mục tiêu về phòng, chống mua, bán người của Chính phủ.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. mong muốn nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ phía Tổng đài 111 đối với Tổng đài tư vấn phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Thời gian tới, Hội sẽ có trách nhiệm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin về đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua, bán người đến các cấp hội phụ nữ thông qua các phương tiện thông tin của hội để nhiều người biết đến Tổng đài và có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ.
* Kế hoạch phối hợp liên ngành trong hoạt động của đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua, bán người giai đoạn 2021 - 2025
1. Trao đổi thông tin: Thông tin về nạn nhân; Thông tin về các cơ quan, đơn vị phối hợp; Thông tin về tội phạm mua, bán người.
2. Truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống mua, bán người
Phối hợp thông tin, tuyên truyền, giáo dục về: (1) Chính sách, pháp luật về phòng, chống mua, bán người; (2) Thủ đoạn và tác hại của các hành vi mua, bán người; (3) Kỹ năng xử lý trong trường hợp có nghi ngờ về việc mua, bán người; (4) Biện pháp, kinh nghiệm phòng, chống mua, bán người; (5) Trách nhiệm của cá nhân, gia đình và cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua, bán người; (6) Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân; (7) Các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân trong đó có Đường dây nóng, nhà tạm lánh…
3. Giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại
- Phối hợp tiếp nhận, xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán trong nước; nạn nhân được giải cứu hoặc từ nước ngoài trở về. Trao trả nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam; người nghi vấn là nạn nhân bị mua bán; bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân của họ.
- Hỗ trợ nạn nhân, người nghi vấn là nạn nhân theo quy định của pháp luật để nạn nhân được nhận các chế độ hỗ trợ theo quy định; nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn và có nhu cầu được tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nhà tạm lánh; nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán trong nước về xác định nạn nhân, nơi tạm trú ở cơ sở hỗ trợ nạn nhân, các chi phí thiết yếu, các hỗ trợ pháp lý và các hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.
- Nhân viên tư vấn của đường dây nóng gọi điện tới các thành viên Tổ công tác phối hợp liên ngành hoặc gọi điện trực tiếp tới các cơ quan, đơn vị cung cấp các dịch vụ trực thuộc Tổ công tác phối hợp liên ngành để tiếp nhận và xác định nạn nhân bị mua bán.
Trong trường hợp Đường dây nóng gặp khó khăn trong việc kết nối với các cơ quan, đơn vị cấp cơ sở của các cơ quan, đơn vị có liên quan, các thành viên Tổ công tác phối hợp liên ngành sẽ đưa ra hỗ trợ cần thiết và theo dõi.
4. Tư vấn về di cư an toàn
Thực hiện các hoạt động tư vấn cho người dân, nhóm nguy cơ cao về các nội dung liên quan đến di cư an toàn, bao gồm cả di cư trong nước và ngoài nước.