Hơn 1,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Đến ngày 30/1/2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội trên cả nước đạt 18,058 triệu người, tăng 4,54% so cùng kỳ năm 2023. Trong số này, có hơn 1,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: nhandan.vn.
Ảnh minh họa: nhandan.vn.

Ngày 31/1, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt nhiệm vụ trọng tâm toàn ngành năm 2024. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì hội nghị.

Tính đến ngày 30/1, toàn quốc có số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 18,058 triệu người, tăng 4,54% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 16,34 triệu người, tăng 3,14% so cùng kỳ năm 2023; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,717 triệu người, tăng 20,11% so cùng kỳ năm 2023.

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, ngay từ những ngày đầu năm, toàn ngành đã và đang tập trung cao độ, nỗ lực, quyết tâm triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, triển khai Kế hoạch công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2024 đề ra các giải pháp để thực hiện, bảo đảm tính linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp đặc điểm của từng địa phương.

Tính đến ngày 30/1, toàn quốc có số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 18,058 triệu người, tăng 4,54% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 16,34 triệu người, tăng 3,14% so cùng kỳ năm 2023; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,717 triệu người, tăng 20,11% so cùng kỳ năm 2023.

Cùng với đó, số tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 14,631 triệu người, số tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,805 triệu người. Số tiền thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của toàn ngành ước đạt là 31.659 tỷ đồng, tăng 15,57% so cùng kỳ năm 2023.

Thời gian qua, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Toàn ngành đã chi trả gộp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của tháng 1 và tháng 2/2024 trong kỳ chi trả tháng 1, góp phần giúp người hưởng có thêm điều kiện đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Cơ quan này cũng tổ chức thành công chương trình “Tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024” với hàng trăm nghìn thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội được trao tặng.

Toàn ngành tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật, văn bản quan trọng liên quan việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi);...

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực phối hợp các vụ, cục của Bộ Y tế giải quyết các vướng mắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; bảo đảm tốt quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp; Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06)…

Hơn 1,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ảnh 1

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VSS

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nêu rõ, năm 2024 có ý nghĩa quan trọng với ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc đẩy mạnh hoàn thành các mục tiêu theo lộ trình về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến năm 2025 theo các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ. Đây cũng là năm bản lề trong thực hiện Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam; đồng thời lập thành tích, hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam (16/2/1995-16/2/2025).

Vì vậy, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, ngoài những công việc thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trong năm 2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung thực hiện một số công việc trọng tâm. Trong đó, chú trọng tới triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đẩy nhanh chuyển đổi số, triển khai Đề án 06; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm... Khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả.