Hồi ức ngày thống nhất non sông

Thiếu tướng Phan Khắc Hy từng là Phó Tư lệnh Ðoàn 559-Bộ đội Trường Sơn, Chính ủy, Bí thư Ðảng ủy Bộ Tư lệnh Không quân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng..., 18 tuổi, ông đã đáp lời kêu gọi của Ðảng để trở thành Bộ đội Cụ Hồ cùng toàn dân, toàn quân đánh đuổi giặc xâm lược giành độc lập, tự do cho đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Thiếu tướng Phan Khắc Hy-nguyên Phó Tư lệnh Ðoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn).
Thiếu tướng Phan Khắc Hy-nguyên Phó Tư lệnh Ðoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn).

Gặp Tướng Phan Khắc Hy trong căn nhà ở Phường 2, quận Tân Bình khi ông đã bước sang tuổi 96, nhưng kỷ niệm sống và chiến đấu giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc trong suốt hai cuộc kháng chiến vẫn luôn khắc ghi sâu đậm trong ông. Thiếu tướng Phan Khắc Hy kể: Ngày 7/5/1954, chiến thắng Ðiện Biên Phủ trở thành "cột mốc vàng" của lịch sử dân tộc Việt Nam, niềm tự hào của dân tộc và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Miền bắc hoàn toàn giải phóng. Ngày 3/3/1955, Ban Nghiên cứu sân bay giúp Bộ Tổng Tham mưu phương án xây dựng lực lượng không quân được thành lập, ông là Chủ nhiệm chính trị, Phó Bí thư Ðảng ủy Ban Nghiên cứu sân bay, sau là Chính ủy, Bí thư Ðảng ủy Bộ Tư lệnh Không quân và Phó Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Phòng không không quân. Ông đã cùng những đồng chí, đồng đội xây dựng binh chủng không quân non trẻ, mở ra mặt trận trên không, bắn hạ các chiến đấu cơ hiện đại của Mỹ xâm phạm bầu trời miền bắc nước ta.

Do yêu cầu của công cuộc chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền nam, ông được phân công về Ðoàn 559. Thiếu tướng Phan Khắc Hy nhớ về những ngày tháng hào hùng oanh liệt tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mặc cho mưa bom, bão đạn trên các cung đường, đoàn quân giải phóng rầm rập tiến bước. "Năm 1971, tôi được điều về Bộ Tư lệnh 559-Bộ đội Trường Sơn-Ðường Hồ Chí Minh làm Phó Tư lệnh. Thử thách lớn nhất với tôi là cùng tập thể Ðảng và Bộ Tư lệnh 559 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh bại cuộc chiến tranh ngăn chặn ác liệt của đế quốc Mỹ, chi viện đắc lực cho cách mạng miền nam, tạo thế và lực cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975, bắt đầu từ chiến dịch giải phóng Tây Nguyên tháng 3/1975... Ngày 14/4/1975, Tư lệnh Ðoàn 559 Ðồng Sĩ Nguyên thông báo cho tôi có điện của Ðại tướng Văn Tiến Dũng-Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh gọi tôi vào Sở Chỉ huy chiến dịch nhận nhiệm vụ. Bộ Tư lệnh 559 tổ chức bộ phận đại diện bên cạnh Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh do tôi phụ trách, thành viên gồm có đồng chí Trần Quốc Khiêm, Phó Tư lệnh Sư đoàn 470 và đồng chí Phạm Lê Hoàng, Phó Tư lệnh Sư đoàn 471 cùng một số trợ lý tham mưu, chính trị, hậu cần", Thiếu tướng Phan Khắc Hy kể lại.

Nhớ về những ngày đầu năm 1975 với những chuyển biến cực kỳ nhanh chóng trên chiến trường, Thiếu tướng Phan Khắc Hy vẫn hào hứng cất giọng nói rành mạch: Trong chiến dịch này, bộ phận đại diện Bộ Tư lệnh 559 có những nhiệm vụ sau. Thứ nhất, phản ánh kịp thời yêu cầu của mặt trận về Sở Chỉ huy 559. Thứ hai, theo dõi và đôn đốc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị phối thuộc và phục vụ chiến dịch. Thứ ba, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình của chiến dịch cho Bộ Tư lệnh 559. Thứ tư, sau khi kiểm tra nắm tình hình các đơn vị, ông trực tiếp báo cáo với Bộ Tư lệnh chiến dịch: Hai sư đoàn vận tải ô-tô 571 và 471 góp phần đưa các quân đoàn chủ lực và binh khí kỹ thuật đến vị trí tập kết đúng thời gian quy định. Cung cấp đủ đạn pháo lớn, trang bị kỹ thuật và nhu cầu vật chất cho các cánh quân. Thứ năm, các sư đoàn công binh bảo đảm cầu đường cơ động. Các trung đoàn đường ống triển khai các điểm cấp phát theo đúng kế hoạch. Thứ sáu, hai trung đoàn thông tin bảo đảm thông tin thông suốt từ Bộ Tổng Tư lệnh đến Bộ Chỉ huy chiến dịch, đến từng cánh quân, khu tập kết, vị trí xuất phát tấn công. Thứ bảy, điểm nổi bật của bộ đội 559 trong chiến dịch tấn công này là các sư đoàn vận tải ô-tô làm nhiệm vụ cơ giới hóa bộ binh trong chiến đấu tấn công. Chính những nhiệm vụ này luôn được sát sao, kịp thời tạo nên cầu nối bảo đảm thông suốt giữa các cấp chỉ huy với tiền tuyến. Ðại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã dành những lời ngợi khen: "Lực lượng vận tải cơ giới của 559 đã cơ giới hóa bộ binh tạo nên khả năng cơ động cao, sức đột kích mạnh của các binh đoàn chủ lực, nhanh chóng đè bẹp mọi sức phản kháng của kẻ thù, giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược".

Do yêu cầu của chiến dịch, Phó Tư lệnh Ðoàn 559 Phan Khắc Hy được đồng chí Văn Tiến Dũng giao nhiệm vụ giúp đồng chí Ðinh Ðức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, bảo đảm hậu cần và cơ động cho mặt trận. Ngày 26/4/1975, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công trên tất cả các hướng. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống chế độ Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Thiếu tướng Phan Khắc Hy bồi hồi nhớ lại: "Tất cả chúng tôi ở Sở Chỉ huy òa lên vui sướng, nỗi vui sướng tột cùng sau 30 năm chờ đợi ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc".

Qua lời kể của vị tướng cao tuổi để thấy, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 cách nay 48 năm đã viết nên trang sử chói lọi trong lịch sử nước nhà. Thắng lợi này chính nhờ vào tài lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Ðảng.