Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tập trung làm rõ cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý của việc kiêm nhiệm chức danh và việc hợp nhất các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; đánh giá kết quả quá trình thực hiện thí điểm một số mô hình mới theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, 4 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/04/2015 của Bộ Chính trị.
Thực tế cho thấy, việc triển khai thí điểm một số mô hình mới và kiêm nhiệm chức danh thời gian qua đạt một số kết quả nhất định: Đã góp phần tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ; giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm kinh phí. Hoạt động của các mô hình mới góp phần khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giảm được một số quy trình nghiệp vụ. Mô hình tổ chức mới buộc cán bộ phải tự hoàn thiện, cập nhật, bổ sung thêm kiến thức để đáp ứng nhu cầu công việc và là dịp để sàng lọc những vị trí làm việc kém hiệu quả …
Tuy nhiên, quá trình thực hiện các mô hình thí điểm mới và kiêm nhiệm chức danh cũng nổi lên một số khó khăn, vướng mắc, bất cập: Các văn bản, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền không kịp thời, đồng bộ nên việc triển khai mô hình mới tại các địa phương không thống nhất, làm ảnh hưởng tới sự liên thông giữa các cấp. Cơ chế vận hành các cơ quan hợp nhất như chế độ thông tin, báo cáo, phối hợp công tác, thể thức văn bản, sử dụng con dấu, tài khoản... vẫn còn một số bất cập trong thực tiễn. Cơ chế quản lý, sử dụng biên chế giữa khối đảng và khối chính quyền còn thiếu thống nhất. Việc xây dựng vị trí việc làm trong triển khai mô hình thí điểm còn chậm, ảnh hưởng tới công việc, chế độ chính sách của cán bộ…