Đoàn Hội luật gia Việt Nam do ông Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội dẫn đầu tham dự sự kiện.
Tại hội thảo, Giáo sư Irina Umnova, Chủ tịch Quỹ quốc tế “Con đường Hòa bình” nhấn mạnh, hội thảo có ý nghĩa quan trọng, là dịp để thảo luận các vấn đề về gìn giữ hòa bình, thúc đẩy các biện pháp bảo đảm an ninh trên phạm vi toàn cầu và khu vực, trong đó có Biển Đông. Hội thảo tạo cơ hội trao đổi, khẳng định ủng hộ công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và các nguyên tắc chung.
Theo Giáo sư Umnova, Việt Nam là một thí dụ về tuân thủ sâu sắc và toàn diện các quy tắc chung của luật pháp quốc tế. Tham gia hội thảo, Việt Nam có thể đề xuất cách tiếp cận cân bằng nhằm giải quyết các vấn đề trong khu vực.
Giáo sư Irina Umnova phát biểu ý kiến. (Ảnh: Thanh Thể) |
Tiến sĩ Lại Thái Bình, Phó viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao nhấn mạnh, trong bối cảnh các nước trong khu vực tiếp tục phải ứng phó Covid-19 và khắc phục hậu quả về kinh tế-xã hội, việc bảo đảm hòa bình và ổn định ở Biển Đông càng trở nên quan trọng, nhằm kết nối các lục địa, thúc đẩy thương mại quốc tế và bảo đảm chuỗi cung ứng.
Dù vậy, theo Tiến sĩ Lại Thái Bình, an ninh hàng hải khu vực tiếp tục gặp nhiều bất ổn. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 làm gia tăng tội phạm xuyên quốc gia về buôn lậu, buôn bán ma túy, cướp biển…
Tình hình thực tế ở Biển Đông nói chung, cũng như công tác bảo đảm an ninh hàng hải nói riêng đòi hỏi các nước tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, an ninh, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy tuân thủ luật pháp và duy trì trật tự dựa trên luật lệ và đàm phán hòa bình.
Tiến sĩ Lại Thái Bình phát biểu ý kiến. (Ảnh: Thanh Thể) |
Hội thảo chia làm hai phiên. Phiên thứ nhất thảo luận về tình hình hiện nay ở Biển Đông và môi trường quốc tế; cập nhật những thay đổi pháp lý và tình hình khai thác tài nguyên biển; phân tích những điều chỉnh chính sách của các nước, cũng như những thay đổi trong quan hệ quốc tế liên quan vấn đề Biển Đông.
Trong phiên thứ hai, hội thảo tập trung các giải pháp xây dựng lòng tin, tránh va chạm trên biển, thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế. Các đại biểu đề xuất tiếp tục tăng cường cơ chế hợp tác ở Biển Đông, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, phát triển kinh tế hàng hải, cũng như phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu.
Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia tham gia. (Ảnh: Thanh Thể) |
Cũng tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, sự nhất quán trong lập trường về Biển Đông của các nước tiếp tục được củng cố. Các bên phản đối các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải ở Biển Đông; kêu gọi bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS năm 1982; thực hiện đầy đủ, toàn diện và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).