Tham dự buổi hội thảo, có đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; cùng nhiều đại biểu là đại diện lãnh đạo Báo Nhân Dân, các nhà báo cách mạng lão thành, đại diện thân nhân, gia đình nhà báo Hoàng Tùng.
Phát biểu khai mạc buổi hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh đã khái quát sơ lược về tiểu sử, cùng cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp làm báo cách mạng của nhà báo Hoàng Tùng. Trong đó, đồng chí đặc biệt nhấn mạnh đến quãng thời gian ghi nhiều dấu ấn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà báo Hoàng Tùng, đó là 30 năm làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân và gần 30 năm làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Bên cạnh đó, đồng chí Đinh Thế Huynh còn cho rằng, bản lĩnh, phong cách báo chí, tài năng, những nhân tố làm nên tên tuổi nhà báo Hoàng Tùng có nhiều điều đến hôm nay vẫn còn phải tiếp tục suy nghĩ, bàn luận một cách thấu đáo, nhất là ở thể loại chính luận.
Đồng chí khẳng định, nhà báo Hoàng Tùng đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn hóa, báo chí, tuyên truyền... đồng thời là một nhà báo bậc thầy, cây đại thụ của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
“Ở Hoàng Tùng có sự gặp nhau giữa nhà lãnh đạo công tác tuyên huấn nổi tiếng, sắc sảo và nhà báo cách mạng bậc thầy”, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.
Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại hội thảo.
Tại buổi hội thảo, tham luận của nhiều nhà báo cách mạng lão thành như các đồng chí Hà Đăng, Hữu Thọ, Phan Quang, Hồng Vinh... đều nêu rõ, nhà báo Hoàng Tùng là cây bút bậc thầy, là linh hồn của Báo Nhân Dân trong những năm 1950-1987, đưa Báo Nhân Dân trở thành lá cờ đầu của báo chí cách mạng Việt Nam. Ngoài tư duy, phong cách báo chí sâu sắc, cách làm việc thận trọng, say mê, nhà báo Hoàng Tùng còn có lối sống giản dị, bao dung, ân cần.
“Trong công tác lãnh đạo, nhà báo Hoàng Tùng lại là một người thầy giỏi nghề và nghiêm khắc. Không chỉ sở hữu, ông còn đào tạo được những tư tưởng sắc sảo. Mỗi khi nộp bài và chờ anh duyệt bài, tôi luôn có cảm giác vừa hồi hộp vừa lo lắng. Còn nhớ, một lần bài phóng sự của tôi được anh khen, anh chỉ nói ngắn gọn: “Được đấy!”, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân hồi tưởng.
Các nhà báo cách mạng lão thành chia sẻ tham luận tại hội thảo. Trong ảnh, từ phải sang: Các Nhà báo, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Hà Đăng, Hữu Thọ, Hồng Vinh.
Nhà báo Hoàng Tùng, cây đại thụ của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nhà báo Hoàng Tùng, tên thật là Trần Khánh Thọ, sinh ngày 14-1-1920, tại xã Nhân Hòa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Năm 17 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1940 bị thực dân Pháp bắt, giam cầm tại nhà tù Sơn La và được kết nạp Đảng tại chi bộ nhà tù, học làm báo trong tù. Sau khi ra tù, đồng chí tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, trở thành Bí thư Thành ủy Hà Nội tháng 10-1945, khi mới 25 tuổi. Từ đó đồng chí được giao nhiều trọng trách quan trọng như: Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Xứ ủy viên Bắc Kỳ, Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư, Tưởng ban Tuyên huấn T.Ư, Bí thư T.Ư Đảng phụ trách công tác tư tưởng. Trong sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã có 30 năm làm Tổng biên tập Báo Nhân Dân và gần 30 năm làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. |