Hội thảo Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

NDO -

Ngày 28/3, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng lý luận Trung ương, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 - tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội thảo.

Với quy mô quốc gia, Hội thảo đã có sự tham gia của 200 đại biểu là các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, lãnh đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy trong cả nước. Đây là hội thảo thiết thực và mang nhiều ý nghĩa quan trọng khi các địa phương cùng với cả nước đang triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, theo chủ trương của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Kết luận số 24-KL/TƯ của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo.

Hội thảo Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội -0

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương cùng với sự năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và toàn dân, hơn 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tự lực, tự cường, đổi mới, hội nhập, phát triển, tạo được những thành tựu bứt phá ấn tượng. Liên tục các nhiệm kỳ kế tiếp nhau đã thể hiện rõ tinh thần kế thừa, đổi mới và phát triển, đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đi tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực cải cách hành chính để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển; đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác phát triển. Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một địa phương đi đầu đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía bắc.

Hội thảo Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội -0

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương gợi mở cách tiếp cận mới trong việc huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xác lập động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, xuất phát từ xu hướng toàn cầu, tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Hội thảo là diễn đàn để các địa phương cùng chia sẻ, thảo luận những mô hình hay, những cách làm sáng tạo, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhất là từ thực tiễn huy động, phân bổ và quản lý các nguồn lực tại chỗ của địa phương kết hợp với nguồn lực của cả nước và bên ngoài; việc khơi thức, nuôi dưỡng, phát huy và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng các nguồn lực và tạo những động lực tăng trưởng, phát triển mới luôn là yếu tố căn cốt, rất quan trọng của quản trị và phát triển đất nước nói chung, của quản trị và phát triển địa phương nói riêng.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, trong bối cảnh xảy ra những biến cố, khủng hoảng ở quy mô lớn, như đại dịch Covid-19, việc tối ưu hóa các nguồn lực và động lực càng có ý nghĩa quan trọng, nhằm gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế-xã hội, tạo những tiền đề cho sự ổn định ngay trong tình trạng bất định, “biến nguy thành cơ”, tìm thấy những cơ hội phát triển mới trong và sau đại dịch. Đồng thời, sự phát triển của mỗi địa phương cần luôn đặt trong tổng thể sự phát triển chung của vùng, đất nước, coi trọng liên kết nội vùng, liên vùng, liên quốc gia, có trách nhiệm đối với sự phát triển toàn cục, tuyệt đối tránh tư duy cát cứ, cục bộ, vị kỷ; luôn hướng tới tầm nhìn phát triển chiến lược dài hạn, khát vọng phát triển lớn lao, mong muốn thâu thái trí tuệ, nguồn lực, kinh nghiệm rộng lớn, nhưng hành động thực tế, khả thi, mang lại những hiệu quả rõ rệt, thể hiện rõ “tầm nhìn toàn cầu, hành động địa phương”.

Hội thảo có đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học cùng với 76 bài tham luận, trong đó có 21 tham luận của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng; tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành; các bài viết được đầu tư công phu, chất lượng tốt, giàu hàm lượng khoa học, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đã phân tích đánh giá nhiều khía cạnh khác nhau các nội dung của Hội thảo.

Hơn 20 tham luận, thảo luận trực tiếp tại Hội thảo là những ý kiến tâm huyết, chất lượng, gợi mở nhiều vấn đề mới, đang bức thiết đặt ra, nhất là bàn sâu từ phương diện quản trị địa phương về vai trò, vị trí, phương pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả, thành công đột phá, bài học hay, kinh nghiệm quý, kể cả những tồn tại, bất cập, vướng mắc, điểm nghẽn, từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị có giá trị trong huy động, phân bổ, sử dụng tối ưu nhất nguồn nhân lực và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước và các địa phương.

Đồng thời đi sâu phân tích việc khơi thông, giải phóng các nguồn lực cụ thể, như nguồn lực tài chính công; nguồn lực đất đai; nguồn nhân lực; thể chế phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chính sách tài khóa; nguồn lực xã hội; bảo đảm an sinh xã hội; nguồn tài nguyên văn hóa; năng lực hấp thu công nghệ và tăng cường mối liên kết giữa các thành phần kinh tế; phát triển kinh tế biển xanh; phục hồi ngành du lịch; nâng cao hiệu quả quản trị địa phương; phát huy nguồn lực, sức mạnh của khu vực ngoài nhà nước.

Kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao những kết quả đạt được của hội thảo. Sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ lĩnh hội, tiếp thu và báo cáo các nội dung có liên quan về việc khai thác, phân bổ, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực và tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhất là tiếng nói từ các địa phương, tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan chức năng có liên quan. Hệ thống bài viết của hội thảo có chất lượng cao, sẽ được biên tập xuất bản thành sách; chọn lọc đăng tải trên các cơ quan báo chí để lan tỏa tinh thần và những nội dung của hội thảo đến đông đảo độc giả, góp phần tạo nên những phong trào thi đua, hành động cách mạng thiết thực, hiệu quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Phục hồi nhanh, phát triển kinh tế bền vững