Theo UBND tỉnh Phú Yên, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn dài hạn.
Quy hoạch phải thực sự trở thành công cụ quan trọng trong quá trình định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, phát triển không gian địa giới hành chính và là tiền đề để địa phương phát triển nhanh, toàn diện, bền vững trong tương lai; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn cho rằng, quy hoạch là sản phẩm của tinh thần đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể.
Quy hoạch được triển khai với khát vọng xây dựng tỉnh Phú Yên phát triển năng động, bền vững, nền văn hóa đặc sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, môi trường sống được cải thiện; mục tiêu phát triển được hình thành, bồi đắp trên cơ sở khoa học, với lộ trình, bước đi được dự liệu rõ ràng, có sự kế thừa từ những quan điểm định hướng phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn được phê duyệt.
Quy hoạch cũng phát triển những vấn đề mới trên cơ sở bám sát chủ trương của Trung ương, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Phú Yên, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng cân đối, huy động nguồn lực trong và ngoài tỉnh, bảo đảm phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, hướng đến mục tiêu năm 2050: "Phú Yên trở thành nơi đáng sống cho người dân, đáng ghé thăm cho du khách với nền kinh tế phát triển, con người thân thiện và môi trường sống xanh, sạch, hiện đại".
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều ý kiến, tham vấn, đó là phải luôn đặt Phú Yên trong mối quan hệ liên kết vùng và vai trò của địa phương đối với quốc gia; đánh giá đầy đủ giá trị địa kinh tế-chính trị của tỉnh; các tác động về các điều kiện và bối cảnh từ bên ngoài đến phát triển của tỉnh.
Các đại biểu cũng góp ý về các cơ hội liên kết giữa tỉnh Phú Yên với nội vùng, các vùng chung quanh, cả nước và khu vực; khả năng khai thác hành lang xuyên Á, hợp tác, giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN; khả năng khai thác các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Cùng với đó là phát huy yếu tố con người, coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, xem đây là động lực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; bảo tồn di sản, phát huy, phát triển nền văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh.
Các đại biểu cũng cho ý kiến về việc kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan; bảo đảm khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, đất đai; giữ vững cân bằng sinh thái; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững…
Hiện Phú Yên vẫn là một tỉnh còn khó khăn trong vùng. Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; chưa khai thác, phát huy hết các tiềm năng, lợi thế để phát triển.
Nhiều chỉ tiêu chủ yếu, quan trọng (tốc độ tăng GRDP, GRDP bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tổng kim ngạch xuất khẩu…) chưa đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Do đó, Quy hoạch tỉnh Phú Yên cần phải được xây dựng để phù hợp với các bối cảnh mới. Quy hoạch là công cụ định hướng để tỉnh chỉ đạo, điều hành, quản lý quá trình phát triển giai đoạn 2021-2030, là căn cứ để xây dựng các văn bản hoạch định kế hoạch 5 năm, kế hoạch phát triển hàng năm của tỉnh; là thông tin định hướng cho các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tìm kiếm cơ hội phát triển tại địa phương.