Dự hội thảo có đại diện Ban Tuyên giáo T.Ư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên qua các thời kỳ, Mẹ Việt Nam anh hùng, lão thành cách mạng, Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang...
Các tham luận trình bày và gửi đến hội thảo, khẳng định mùa thu năm 1936, tại ngôi nhà lá ba gian đơn sơ ở xóm Lau Sau, xã La Bằng, huyện Đại Từ, đã diễn ra lễ kết nạp 4 quần chúng ưu tú là Đường Nhất Quý, Đường Văn Ngân, Nông Văn Ái, Hoàng Văn Nghiệp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đánh dấu sự kiện cơ sở Đảng đầu tiên ở Thái Nguyên chính thức được thành lập. Từ đây, phong trào cách mạng trên địa bàn có tổ chức Đảng lãnh đạo.
Cơ sở Đảng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng, từ đó lan tỏa thành cao trào cách mạng đấu tranh giải phóng, tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thái Nguyên đi đến thắng lợi.
Nhiều tham luận trình bày tại hội thảo nêu rõ trong quá trình phát triển của Thái Nguyên, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ là nhân tố quyết định hàng đầu đối với sự phát triển của tỉnh, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Ngày nay, mỗi tổ chức cơ sở Đảng trong Đảng bộ tỉnh cần ra sức xây dựng, chỉnh đốn vững mạnh, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo.
Kể từ khi thành lập cơ sở Đảng đầu tiên với bốn đảng viên, đến nay Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng lớn mạnh, phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, trở thành một tỉnh dẫn đầu về một số lĩnh vực ở khu vực miền núi phía bắc.
Nhân dịp này, tỉnh Thái Nguyên động thổ xây dựng công trình tôn tạo Di tích lịch sử cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh với kinh phí đầu tư hơn 20 tỷ đồng; tặng quà cho đại diện thân nhân bốn đảng viên cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh; 10 gia đình chính sách, đảng viên tiêu biểu và hỗ trợ xây dựng 5 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Đại Từ.