Tham dự Hội thảo có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Nguyễn Đình Khang, Bí Thư tỉnh ủy Hà Nam. Cùng dự còn có GS, Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam và đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các nhân chứng lịch sử.
Các ý kiến tham luận tại Hội thảo đã nêu bật được ý nghĩa lịch sử sự anh dũng hy sinh của mười nữ dân quân Lam Hạ. Cách đây tròn 50 năm, trong cuộc chiến tranh phá hoạt miền bắc bằng không quân của Đế quốc Mỹ, địa bàn xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên xưa (nay là phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý) được xác định là một địa bàn có vị trí chiến lược trong bảo vệ huyết mạch giao thông bắc - nam. Tham gia chiến đấu bảo vệ trọng điểm này, ngoài lực lượng bộ đội chủ lực, còn có dân quân địa phương, trong đó có Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ.
Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ được thành lập ngày 5-8-1965 có nhiệm vụ vừa phục vụ chiến đấu, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu và sẵn sàng bổ sung lực lượng cho các trận địa phòng không của bộ đội trên địa bàn. Với khẩu hiệu “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” lực lượng dân quân Lam Hạ quyết tâm bảo đảm trọng điểm giao thông huyết mạch, tham gia chiến đấu tại các trận pháo phòng không trên địa bàn. Từ trong khói lửa ác liệt của chiến tranh, trên mảnh đất Lam Hạ anh hùng đã có nhiều tấm gương chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh. Trong đó, mười nữ dân quân Lam Hạ đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ (người trẻ nhất mới 16 tuổi, người nhiều tuổi nhất cũng mới 24). Họ chiến đấu và hy sinh anh dũng ngay trên mâm pháo.
Để ghi nhớ công ơn to lớn của Đại đội dân quân phòng không và mười nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ trong cuộc chiến tranh trống Mỹ cứu nước, năm 2010, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Thị Thi, một trong mười nữ dân quân phòng không Lam Hạ hy sinh trong cuộc chiến này.
Hội thảo là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của 10 nữ dân quân Lam Hạ và đón nhận bằng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia “Trận địa pháo phòng không Lam Hạ giai đoạn 1965 - 1972”.
Qua những tham luận được trình bày tại hội thảo góp phần làm rõ hơn về tinh thần chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của mười nữ dân quân phòng không Lam Hạ, nhằm tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về tấm gương bất khuất của các liệt sĩ. Qua đó, thắp lên tình yêu quê hương đất nước, tiếp thêm ý chí, hoài bão, lý tưởng cho thế hệ trẻ học tập, lao động xây dựng quê hương.