Hội thảo khoa học “50 năm chiến dịch Bình Giã - thắng lợi và bài học lịch sử”.

NDO -

NDĐT- Ngày 11-12, tại TP Bà Rịa, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm chiến dịch Bình Giã- thắng lợi và bài học lịch sử”.

Dự và chủ trì hội thảo có Đại tướng Lê Văn Dũng, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trung tướng Trần Đơn, Ủy viên T.Ư Đảng, Tư lệnh Quân khu 7; Nguyễn Tuấn Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu.
Tham dự hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, sử học, các ban ngành T.Ư và địa phương, cùng các cán bộ, chiến sĩ, đại diện các đơn vị quân đội từng tham gia chiến dịch Bình Giã.
Chiến dịch Bình Giã (2-12-1964 - 3-1-1965) là chiến dịch tiến công đầu tiên của Quân giải phóng miền nam trên chiến trường B2 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến dịch diễn ra trong hai đợt, đợt 1 từ đêm 2-12-1964 đến ngày 17-12-1964; đợt 2 từ đêm 27-12-1964 đến chiều 3-1-1965.

Kết thúc chiến dịch, Quân giải phóng đã tiêu diệt gọn hai tiểu đoàn, một chi đoàn thiết giáp, hai đoàn xe cơ giới; đánh thiệt hại nặng ba tiểu đoàn; đánh tiêu hao hai tiểu đoàn dù và một tiểu đoàn biệt động quân của địch. Tổng cộng ta tiêu diệt và làm bị thương 1.700 tên địch, bắt 293 tên, phá hủy 45 xe quân sự, bắn rơi và làm bị thương 56 máy bay các loại, thu hơn 1.000 súng các loại cùng nhiều trang bị chiến tranh khác.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Trung tướng Trần Đơn cho biết: Chiến dịch Bình Giã về quy mô chỉ tương đương cấp sư đoàn nhưng có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, góp phần làm thất bại về cơ bản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy, mở đầu thời kỳ mới của cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam. Chiến thắng của chiến dịch Bình Giã vừa thể hiện chủ trương đúng đắn của lãnh đạo T.Ư Cục và Quân ủy miền, vừa thể hiện quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đồng bào tỉnh Bà Ria- Vũng Tàu trong công tác chuẩn bị và phục vụ suốt thời gian diễn ra chiến dịch.
Các ý kiến phát biểu tại hội thảo một lần nữa làm rõ ý nghĩa, vai trò của chiến dịch, một số nội dung về nghệ thuật quân sự của chiến dịch, về vai trò của các lực lượng tham gia chiến dịch và những bài học kinh nghiệm rút ra từ chiến dịch…, đồng thời gợi mở nhiều vấn đề về khoa học quân sự cần được soi rọi, phân tích dưới cách tiếp cận trong điều kiện lịch sử mới.