Hội thảo đã tập trung phân tích sâu sắc và nêu bật công lao to lớn của đồng chí Lê Duẩn đối với sự nghiệp cách mạng của Ðảng và nhân dân ta; khẳng định đồng chí Lê Duẩn là người cộng sản kiên cường - nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn củacách mạng Việt Nam; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người con ưu tú của quê hương Quảng Trị.
79 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng kiên cường, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí Lê Duẩn tham gia phong trào yêu nước từ năm 1926, gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1928 và trở thành một trong những đảng viên lớp đầu của Ðảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1930. Từ năm 1946 đến năm 1954, với cương vị Bí thư Xứ ủy, rồi Bí thư T.Ư Cục miền nam, đồng chí đã lãnh đạo Ðảng bộ miền nam tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, phối hợp tích cực với chiến trường chính, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau Hiệp định Geneve năm 1954, đồng chí được T.Ư phân công ở lại miền nam. Là người chịu trách nhiệm trước Ðảng về cách mạng miền nam, đồng chí đã khởi thảo bản Ðề cương cách mạng miền Nam, chỉ ra phương hướng và những bước đi cơ bản của cách mạng, góp phần chuẩn bị cho sự ra đời Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của BCH T.Ư (7-1959), xoay chuyển tình thế tạo ra bước ngoặt cho cách mạng miền nam...
Trên cương vị là Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng liên tục trong 26 năm (1960 - 1986), cùng với Bộ Chính trị và BCH T.Ư Ðảng, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần quan trọng vào việc hoạch định, hoàn thiện đường lối và phương pháp cách mạng, đường lối và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Ðảng và đã lãnh đạo thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng của hai miền.
Không chỉ thể hiện là một kiến trúc sư chiến lược của Ðảng, đồng chí còn là một nhà tổ chức tài năng, góp phần to lớn vào việc lãnh đạo xây dựng miền bắc từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ là chủ yếu quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, trở thành và làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn và vững chắc của cả nước, đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gắn liền với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt, kiên quyết của Ðảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng thời gắn liền với bộ tham mưu tối cao của cách mạng, gồm những nhà chính trị xuất sắc, nhà quân sự tài năng, mưu lược, dũng cảm mà người đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn. Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng chí Lê Duẩn đã cùng BCH T.Ư Ðảng từng bước xây dựng hệ thống quan điểm về chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và đã lãnh đạo đạt những thành tựu quan trọng. Là một nhà yêu nước lớn và một chiến sĩ quốc tế trong sáng, suốt đời trung thành với chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần củng cố và tăng cường đoàn kết giữa các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Hội thảo khẳng định đồng chí Lê Duẩn là một nhà lý luận xuất sắc với một tư duy sáng tạo lớn của Ðảng, đã có cống hiến xuất sắc về nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn.
Ðúng như Ðảng ta đã đánh giá: "Là một người mác-xít-lê-nin-nít chân chính, đồng chí luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp". Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí là người cộng sản trung thành vô hạn với lợi ích tối cao của Tổ quốc và nhân dân, với lý tưởng cộng sản; trung thực và giản dị, không ham danh lợi, địa vị, ghét bệnh phô trương hình thức, luôn gần gũi đồng bào, đồng chí bằng tình yêu thương thiết tha, chân thành...
52 tham luận gửi đến và trình bày tại hội thảo không chỉ tôn vinh cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Duẩn mà còn là tấm lòng trân trọng, biết ơn đối với đồng chí Tổng Bí thư đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ðó còn là quyết tâm noi gương đồng chí, ra sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Trước mắt, thực hiện tốt Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
* Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7-4-1907 - 7-4-2007), Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc và Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Lê Duẩn với truyền thống văn hóa dân tộc".
Trong báo cáo đề dẫn, GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc nêu rõ: "Tổng Bí thư Lê Duẩn là tấm gương sáng về lòng kiên trì học tập và sáng tạo, học trong nhà trường, trong nhà tù, học ở người trí thức và học cả người nông dân, lấy thực tiễn cách mạng làm điểm xuất phát, lấy con người và đạo lý dân tộc làm điểm tựa và vận dụng tinh thần biện chứng của học thuyết Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm đòn bẩy để phân tích và lý giải tình hình, xây dựng chiến lược và sách lược đấu tranh cách mạng. Nếu bản thân một sự nghiệp cách mạng cũng là một cuộc vận động văn hóa như nhiều học giả lớn trên thế giới đã đúc kết, thì yếu tố văn hóa trở thành động lực thúc đẩy mọi phương châm hành động của đồng chí. Ðồng chí Lê Duẩn nổi tiếng là người tranh luận trong các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Ðảo và hầu như tất cả những người tham gia tranh luận đều được đồng chí chinh phục, cảm hóa bởi lý lẽ đầy sức thuyết phục về con đường cách mạng mà dân tộc phải đi và đến. Sau này, cán bộ và chiến sĩ Nam Bộ gọi đồng chí là "Ngọn đèn 200 nến". Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn nhấn mạnh ý nghĩa của việc giải phóng con người, của tình thương và lẽ phải. Trong cuốn Về cách mạng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí phân tích: Văn hóa gắn với tư tưởng. Làm cách mạng tư tưởng phải hiểu rõ con người". Trong bài tham luận "Lê Duẩn với truyền thống văn hóa dân tộc", GS, VS Hồ Sĩ Vịnh đã nêu những tư duy sáng tạo, những quan điểm lý luận của Tổng Bí thư Lê Duẩn ở nhiều lĩnh vực đời sống: chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, giáo dục, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật. Ở những nhà chính trị xuất sắc, những nhà văn hóa lớn, tầm tư duy sáng tạo thường xuyên cởi mở và có hệ thống. Ðó cũng là đặc điểm tư duy sáng tạo lớn của đồng chí Lê Duẩn. Những kiến giải của đồng chí về văn hóa dân tộc, về con người Việt Nam, về nền giáo dục thường gắn với truyền thống văn hóa dân tộc. Những lập luận của đồng chí cách đây nhiều thập kỷ vẫn có ý nghĩa cập nhật hôm nay.
Các bản tham luận của Nhà văn hóa, Anh hùng Lao động, GS Vũ Khiêu; đồng chí Hoàng Tùng; GS Trường Lưu; TSKH Ðỗ Văn Khang; GS,TS Ðỗ Huy; PGS,TS Lê Như Hoa; PGS,TS Phạm Duy Ðức; PGS,TS Lê Thanh Bình; Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành... đều tập trung nêu bật những quan điểm, tư duy sáng tạo của Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với văn hóa truyền thống dân tộc là những bài học quý giá trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hôm nay. Các tham luận khẳng định, Tổng Bí thư Lê Duẩn là nhà cách mạng lỗi lạc, nhà văn hóa lớn.