Hội thảo các vấn đề pháp lý, kỹ thuật về ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế về biến đổi khí hậu

NDO - Trong 2 ngày 16 và 17/3, tại Quảng Ninh, Bộ Ngoại giao phối hợp Chính phủ Cộng hòa Vanuatu tổ chức Hội thảo Các vấn đề pháp lý, kỹ thuật về ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế về biến đổi khí hậu. Tham dự hội thảo gồm đại diện các cơ quan Việt Nam, đại diện chính phủ các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giới học giả và luật sư quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội thảo.
Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu tổng quan về sự ra đời và ý nghĩa của thủ tục Ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế về biến đổi khí hậu trên cơ sở Nghị quyết 77/276 ngày 29/3/2023 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về các khía cạnh pháp lý chủ chốt trong thủ tục Ý kiến tư vấn, sự đóng góp mà các nước châu Á-Thái Bình Dương có thể mang lại cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho các nước để tham gia hiệu quả vào thủ tục Ý kiến tư vấn mà hiện ICJ đang xử lý.

Trước đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 77/276 bằng đồng thuận. Theo đó, Đại hội đồng đề nghị Tòa án Công lý quốc tế cung cấp ý kiến tư vấn về trách nhiệm của các quốc gia trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Việt Nam và Vanuatu là hai trong số 18 quốc gia thuộc nhóm nòng cốt thúc đẩy Nghị quyết này. Theo quy định của Tòa án Công lý quốc tế, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc có thời hạn tới 22/3/2024 để tham gia ý kiến, trước khi Tòa chính thức đưa ra ý kiến của mình vào năm 2025.

Phát biểu khai mạc Hội thảo vào sáng ngày 16/3/2024, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết đặc điểm địa lý đặc thù, với vùng bờ biển rộng lớn, khiến Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, trong đó Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới, cũng là địa điểm tổ chức Hội thảo, không phải ngoại lệ. Bởi vậy, Việt Nam rất coi trọng sự hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong nỗ lực chung nhằm ứng phó các thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu.

Hội thảo các vấn đề pháp lý, kỹ thuật về ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế về biến đổi khí hậu ảnh 1

Quang cảnh Hội thảo.

“Nghị quyết của Đại hội đồng thừa nhận biến đổi khí hậu gây ra tác động khác nhau với mỗi quốc gia, vì thế gánh nặng cũng như trách nhiệm ứng phó phải được san sẻ công bằng, bình đẳng. Việc tham gia thủ tục ý kiến tư vấn của ICJ là cơ hội to lớn cho các nước đang phát triển tham gia nỗ lực toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy quyền của các nước dễ bị tổn thương và định hình sự phát triển của luật môi trường quốc tế”, Thứ trưởng cho biết.

Theo Thứ trưởng, hội thảo là cơ hội để chuyên gia pháp lý các nước trong khu vực thảo luận, tìm kiếm ý tưởng, củng cố lập luận để vừa bảo đảm lợi ích quốc gia trong ứng phó biến đổi khí hậu, vừa trả lời các câu hỏi pháp lý đang được ICJ xem xét, từ đó cân nhắc khả năng để các quốc gia có phản ứng và sự tham gia phù hợp vào thủ tục ý kiến tư vấn. Bên cạnh đó, sự kiện có thể tạo ra diễn đàn kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa giới chuyên gia pháp lý quốc tế trong khu vực, củng cố tiếng nói của các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương trong ứng xử với các vấn đề về mang tính toàn cầu.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Arnold Kiel Loughman, Bộ trưởng Tư pháp Vanuatu, cho biết các thách thức từ biến đổi khí hậu như mực nước biển dâng, các hình thái thời tiết cực đoan, ô nhiễm biển, đa dạng sinh học suy thoái đang đe dọa cuộc sống, nền văn hóa và thậm chí sự tồn tại của nhiều dân tộc.

“Triển khai những biện pháp hiệu quả nhằm ứng phó biến đổi khí là trách nhiệm đạo đức của cộng đồng quốc tế, đây cũng chính là mục tiêu mà Hội thảo này hướng tới”, ông Loughman nói.

Hội thảo các vấn đề pháp lý, kỹ thuật về ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế về biến đổi khí hậu ảnh 2

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Hội thảo.

Đại diện các nước tham dự Hội thảo đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và Vanuatu tổ chức sự kiện, tạo cơ hội để chuyên gia pháp lý các quốc gia trong khu vực và quốc tế thảo luận một cách thẳng thắn, thực chất, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hoàn thiện các bản đệ trình dự kiến gửi tới ICJ.

“Lập trường đoàn kết, nhất quán của các nước đang phát triển về chủ đề biến đổi khí hậu có ý nghĩa to lớn, bảo đảm các khía cạnh quan trọng nhất về trách nhiệm của các quốc gia trong ứng phó biến đổi khí hậu được xem xét, qua đó tôi hy vọng sẽ giúp ICJ đưa ra ý kiến tư vấn với tác động pháp lý mạnh mẽ”, bà Myrna Agno-Canuto, đại diện Bộ Tư pháp Philippines cho biết.

Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khoảng 80 quốc gia đã nộp bản đệ trình để chính thức tham gia thủ tục ý kiến tư vấn của ICJ tới thời điểm hiện tại. Con số này biến thủ tục ý kiến tư vấn về biến đổi khí hậu trở thành vụ việc có quy mô lớn nhất mà ICJ từng xử lý, đồng thời cho thấy vai trò quan trọng mà ý kiến của ICJ mang lại trong vấn đề biến đổi khí hậu.

“Việc tích cực thúc đẩy và tham gia thủ tục ý kiến tư vấn tại ICJ thể hiện rõ vai trò của Việt Nam với tư cách thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, thu hút sự ủng hộ của các nước đang phát triển. Tiến trình tại ICJ cũng cho thấy sự coi trọng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò, đóng góp của Việt Nam trong vấn đề biến đổi khí hậu, bao gồm các cam kết mạnh mẽ thời gian qua tại các diễn đàn quốc tế”, ông Giang khẳng định.

Để hỗ trợ các nước xây dựng đệ trình tham gia thủ tục ý kiến tư vấn của ICJ, một số hội thảo hỗ trợ kỹ thuật đã được tổ chức tại các khu vực khác trên thế giới. Năm ngoái, Fiji là quốc gia đăng cai tổ chức hội thảo khu vực Thái Bình Dương.

Trong tháng 2/2024, hội thảo hỗ trợ kỹ thuật cho các nước khu vực Caribe cũng được tổ chức tại Grenada.