Hồi sinh sự sống cho bệnh nhi hẹp đường thở từ một quyết định “đánh cược”

NDO - Võ Đoàn Bảo Ng. (14 tháng tuổi, Châu Thành, Trà Vinh) lên bàn mổ trước Tết đúng 9 ngày. Bé gái bị hẹp đường thở, bất thường động mạch phổi, sự sống mong manh được các bác sĩ đánh cược mạng sống trong một cuộc mổ cấp cứu diễn ra 4 giờ đồng hồ.
0:00 / 0:00
0:00
Bảo Ng. được kiểm tra sức khỏe trước khi ra viện.
Bảo Ng. được kiểm tra sức khỏe trước khi ra viện.

Nghẹt đường thở, bé không thể ngủ ngon giấc quá 30 phút

Chào đời được 4 tháng, khi biết bò lẫy, gia đình Bảo Ng. phát hiện tiếng thở của con rất lạ kỳ, hơi thở rất mệt mỏi. “Con gần như phải thở bằng miệng, bụng hóp mạnh khi bé gắng sức thở, tiếng khò khè cách xa cả 3-4m cũng có thể nghe thấy”, chị Đào Thị Lam Linh, mẹ bé Ng. kể.

Tại bệnh viện tuyến tỉnh, bác sĩ nói bé chỉ bị viêm phổi, uống thuốc là hết. Nhưng khi được 1 tuổi, tiếng khò khè không bớt. Tại một Bệnh viện Nhi Đồng ở TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh lý hiếm hẹp khí quản, bất thường động mạch phổi.

Từ đó, Ng. phải đi viện nhiều lần, lần ít nhất nằm 1 tuần, dài là 20 ngày đến 1 tháng. “Con em chưa bao giờ ngủ ngon giấc quá 2 giờ đồng hồ. Bé gần như phải thở bằng miệng. Bé thường xuyên bị bệnh lý hô hấp phải dùng thuốc hỗ trợ”, người mẹ trẻ nhìn con rớt nước mắt.

Trong số các bé mắc bệnh hẹp khí quản bẩm sinh thì có 60% bé có các triệu chứng tổn thương tim bẩm sinh kèm theo. Bé Bảo Ng. là một trường hợp như vậy.

Suy sụp nhất với người mẹ trẻ là khi các bác sĩ ngoại khoa tại TP Hồ Chí Minh chẩn đoán bệnh lý của bé khá nặng nề và “Con nhiều khả năng không thể vượt qua nổi cuộc phẫu thuật”.

Trong một cơ hội được gặp một bác sĩ khoa Ngoại, chị Lam Linh được giới thiệu tới bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường ngoài Hà Nội với niềm tin: “Bác sĩ Trường có nhiều kinh nghiệm phẫu thuật giải quyết bất thường bệnh lý này. Bác sĩ là người hiện nay thực hiện được nhiều ca phẫu thuật hẹp khí quản cho bệnh nhi”.

Không thể xin chuyển tuyến cho con, người mẹ trẻ không đành lòng để con chờ qua Tết, chị Linh mang theo một niềm tin đầy hoang mang đánh cược tính mạng bé đang hẹp khí quản như “cá thở trên cạn”, vượt chặng đường hơn 2.000 km ra Hà Nội vào ngày 20 Tết.

“Tôi cũng không biết con mình đi máy bay ổn không, tìm được đúng chỗ để điều trị cho con không. Gia đình đánh cược để đi. Tôi gọi điện cho bác sĩ Trường xin được tư vấn và giúp đỡ. Khi bác sĩ Trường nhận lời – lúc đó tôi tin con mình đã có cơ hội được sống”, chị Linh tâm sự.

Hồi sinh sự sống cho bệnh nhi hẹp đường thở từ một quyết định “đánh cược” ảnh 1

Chị Lam Linh xúc động khi kể về hành trình cô con gái bé bỏng được phẫu thuật thành công.

Đêm 10/1, trải qua chuyến đi dài nửa ngày, hai vợ chồng chị Linh đưa con tới Hà Nội. Trong tình huống không có ai nương tựa, anh chị chỉ biết nhờ bác sĩ Trường tìm và đặt giúp khách sạn tạm nghỉ để hôm sau nhập viện cấp cứu cho con mình.

Cuộc gọi chiều cuối năm và cuộc phẫu thuật đánh cược

Cuối năm 2022, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường nhận được cuộc gọi từ một đồng nghiệp tại bệnh viện nhi tại TP Hồ Chí Minh về trường hợp của bé Bảo Ng.

Quyết định nhận lời gia đình chị Lam Linh là cả một thách thức. Khi đó, anh chưa biết tình trạng của bé Ng. như thế nào, liệu có đáp ứng với chuyến đi dài nửa ngày di chuyển trên máy bay hoặc ô-tô vì bé có thể xuất hiện suy hô hấp nguy kịch bất kỳ lúc nào. Đó cũng là thời điểm bệnh viện dừng mổ phiên và anh đang chuẩn bị cho chuyến đi Mỹ báo cáo về kết quả phẫu thuật tim nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Đó là một quyết định liều lĩnh vì bệnh nhi mắc bệnh lý tim mạch kèm theo làm cho mức độ hẹp đường thở thêm nặng nề do động mạch phổi xuất phát bất thường chèn ép vào đường thở vốn đã hẹp lại càng hẹp hơn, nguy cơ đột tử của bệnh nhi này sẽ xảy ra bất cứ thời điểm nào và những bé này phải có chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

“Chúng tôi không biết khả năng thành công có cao không khi chưa khám lâm sàng cho cháu bé. Việc di chuyển quãng đường hơn 2.000 km từ nam ra bắc có thể có nguy cơ gặp bất trắc trên chuyến bay. Hoặc giả dụ, nếu cuộc phẫu thuật trục trặc, việc đón bé về với gia đình vào ngày cận Tết là vô cùng khó khăn. Nhưng nếu không liều, bé có thể tử vong lúc nào. Chúng tôi cũng không thể nào đứng im để chờ qua Tết hay chờ thời điểm nào thích hợp hơn để đưa bé ra Hà Nội”, bác sĩ Trường nói.

Hồi sinh sự sống cho bệnh nhi hẹp đường thở từ một quyết định “đánh cược” ảnh 2

Bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường chia sẻ về hành trình cứu cháu bé hẹp khí quản.

Tiếp nhận Bảo Ng., bác sĩ Trường hội chẩn toàn ê-kíp phát hiện bệnh nhi này bị hẹp đường thở rất nặng. Bình thường đường thở hình ống sẽ giãn nở khi cơ thể phát triển lên, nhưng với bệnh nhi này có sụn bao bọc chung quanh đường thở thành vòng khép kín chứ không phải hình chữ U mở. Khi cơ thể lớn lên, nhu cầu trao đổi oxy tăng, đường thở của bé không giãn ra được.

“Tốc độ lớn của trẻ vượt quá tốc độ phát triển của vòng đường thở khiến trẻ như bị bóp cổ. Tiếng khò khè ngày càng tăng dần, vì thế với những trường hợp này sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Trường nói.

Điều nguy hiểm hơn chính là những bé hẹp khí quản rất dễ mắc viêm nhiễm do virus hoặc vi khuẩn sẽ hình thành những cục đờm bên trong đường thở, do tình trạng tăng tiết chất nhầy trong đường thở. Với trẻ bình thường có khả năng tống cục nhầy ra khỏi đường thở nhưng với các bạn hẹp khí quản, do kích thước cục nhầy to tương đối so với đường thở bị hẹp nên có nguy cơ bị bít tắc lại đường thở. Khi đó, bệnh nhi rơi vào trạng thái như chết đuối trên cạn, không thể sống được.

Chỉ sau 1 ngày nhập viện, Ng. được đưa vào phòng mổ. Đây là ca bệnh hẹp khí quản lần thứ 110 bác sĩ Trường cầm dao mổ. Bé được các bác sĩ gây mê tiến hành hết sức cẩn thận vì vốn gây mê cho trẻ nhỏ đã khó, với trẻ hẹp khí quản còn thách thức gấp nhiều lần khi phải thở máy.

Hồi sinh sự sống cho bệnh nhi hẹp đường thở từ một quyết định “đánh cược” ảnh 3

Bảo Ng. đã có một sức khỏe tốt hơn, ngủ sâu giấc hơn sau khi được phẫu thuật.

Việc bảo đảm thông khí cho em bé là vô cùng khó khăn và tinh tế để vẫn duy trì khả năng trao đổi khí của phổi ở mức độ bình thường trên một đường thở hẹp, mà không làm tổn thương phổi do tình trạng tăng áp lực khi thở máy.

Trong suốt quá trình trước vào trong phẫu thuật, các bác sĩ của chuyên khoa hô hấp cũng liên tục hỗ trợ cho ê-kíp phẫu thuật trong việc soi và đánh giá đường thở để xác định chính xác bệnh lý, đánh giá kết quả phẫu thuật sau khi tạo hình khí quản, đồng thời kiểm tra các biến chứng có thể gặp và xác định khả năng cần can thiệp lại hay không.

Phía ngoài, người mẹ trẻ bất động suốt 4 giờ đồng hồ, lòng như lửa đốt. Chị không biết con gái mình có vượt qua được cửa ải đầy thách thức mà ông trời đang thử thách gia đình chị hay không. Liệu niềm tin duy nhất vào bác sĩ Trường và ekip của Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương có thật sự mang lại hạnh phúc cho gia đình chị.

“Sau hơn 4 giờ đồng hồ, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm vì những tổn thương của bé đã được xử trí thành công cả về đường thở và bệnh lý tim mạch cho cháu. Khi chuyển ra phòng hồi sức, tình trạng bệnh nhi tương đối ổn định và được bố mẹ đón về phòng chăm sóc sau đó 3 ngày”, bác sĩ Trường cho hay.

Để bé hồi phục nhanh, việc hồi sức cho bệnh nhi rất quan trọng, các bác sĩ và điều dưỡng hồi sức sau phẫu thuật liên tục chăm sóc sát sao cho em bé 24/24 giờ nhằm điều chỉnh thông khí để kiểm soát tình trạng hô hấp cũng như huyết động bệnh nhân sau mổ.

Hiện tại, các triệu chứng về khò khè, biểu hiện hẹp đường thở của bé Bảo Ng. đã được hồi phục hoàn toàn như bình thường. Sau phẫu thuật, bé đã được kiểm tra đánh giá lại toàn bộ đường thở không còn hẹp nữa, kích thước sau khi tạo hình lại khí quản so với lúc trước khi mổ tăng được 3,5-4 lần, thậm chí rộng còn hơn so với trẻ bình thường ở lứa tuổi 14 tháng.

Tiên lượng của Bảo Ng. tương đối ổn, nhưng gia đình sẽ phải giữ gìn cho trẻ trong 6-9 tháng để vết mổ tại khí quản liền hẳn mới yên tâm được. Sau đó, Bảo Ng. có thể hoạt động giống như đứa trẻ bình thường và ít nguy cơ cần phải can thiệp hay mổ lại.

Bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường

Cần phát hiện sớm hơn nữa trẻ bị hẹp khí quản

Bảo Ngọc là trường hợp thứ 110 bị bệnh hẹp khí quản đã được phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Đến hiện tại, tỷ lệ tử vong sau khi mổ bệnh lý hẹp khí quản là dưới 7%. Những trường hợp không cứu được thì hầu hết trước mổ rất nặng, phải thở máy kéo dài, có những tổn thương sẵn trên đường thở hoặc nhiễm trùng đường thở mức độ nặng.

“Tỷ lệ phẫu thuật thành công với bệnh lý hẹp khí quản so với những trung tâm trên thế giới là tương đương. Số lượng bệnh nhân được phẫu thuật sửa hẹp khí quản tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tương đương với một số ít trung tâm lớn trên thế giới và kết quả không thua kém gì. Những trường hợp khám và chủ động phát hiện lên lịch mổ trước thì tỷ lệ thành công lên tới 98-99%”, bác sĩ Trường nói.

Hồi sinh sự sống cho bệnh nhi hẹp đường thở từ một quyết định “đánh cược” ảnh 4

Bác sĩ Trường mong có thêm nhiều em bé hẹp khí quản được phát hiện sớm và gửi đến đúng tuyến can thiệp phẫu thuật kịp thời.

Theo chuyên gia này, trước năm 2016, hầu như những em bé bị hẹp khí quản không thể vượt qua được phẫu thuật và gần như 100% ca mổ sẽ tử vong. Cách đây 6 năm, bác sĩ Trường được người thầy Hàn Quốc chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật hẹp khí quản cho bệnh nhi và sau thời gian ngắn học tập thêm về kỹ thuật này tại Thượng Hải (trung tâm có số lượng phẫu thuật hẹp khí quản lớn nhất thế giới), anh đã tự tin để can thiệp cho khoảng 15-20 cháu bé bị bệnh lý này mỗi năm.

Bác sĩ Trường bày tỏ, ở nhiều vùng miền trên tổ quốc, có không ít các bạn nhỏ bị tổn thương giống như Bảo Ng. nhưng lại chưa được tiếp cận xử lý kịp thời.

“Đó là câu hỏi lớn để làm sao bảo đảm an toàn cho các bạn này khi các bạn phải di chuyển, làm sao phát hiện sớm nhất có thể để đưa các bạn ấy đến cơ sở có đủ khả năng và mức độ can thiệp thành công cao”, bác sĩ Trường bày tỏ.

Do đó, Giám đốc Trung tâm Tim mạch hy vọng các bệnh viện trong cả nước sẽ có được sự kết nối tốt hơn nữa, chủ động gửi bệnh nhân đến đúng tuyến điều trị thì sẽ giảm bớt các nguy cơ nếu bệnh nhân phải tự đi tìm hiểu, mất thời gian vàng điều trị.

“Nếu các em bé được chuyển tuyến, chỉ với khoảng 20-30 triệu đồng, chúng ta đã có thể cứu sống được một người. Nếu hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt hơn nữa, thực sự làm và nghĩ về người bệnh thì sẽ giúp được nhiều hơn cho các gia đình bệnh nhi được tiếp cận với hệ thống y tế chuyên sâu và trình độ cũng như chất lượng không thua kém so với các nước phát triển”, bác sĩ Trường bày tỏ.

Nếu trẻ sau khi ra đời, có tiếng thở khò khè khi thức và ngay cả khi trong lúc ngủ, đặc biệt là lúc hít thở vào sẽ có tiếng khò khè rõ do đường thở bị hẹp, thì cha mẹ có thể nghĩ đến nguy cơ trẻ bị hẹp khí quản. Cha mẹ nên đưa con đến các bệnh viện có chuyên khoa Hô hấp trẻ em để được thăm khám, nội soi đường thở, chẩn đoán chính xác, đồng thời lên kế hoạch xử trí kịp thời, bảo vệ cuộc sống khỏe mạnh cho con.

Chiều 31/1, hai vợ chồng chị Linh đóng gói đồ đạc ra phòng trọ gần bệnh viện chờ săn vé về lại Cần Thơ. Gánh nặng trong lòng chị Linh đã được trút đi đầy nhẹ nhõm. “Giờ con về nhà mới là Tết, con mình khỏe ngày nào là Tết ngày đó. Giờ nhớ lại cảm xúc suy sụp khi bác sĩ giải thích con em có khả năng không thể vượt qua nổi cuộc phẫu thuật và hạnh phúc hôm nay thấy con khỏe mạnh trải qua cuộc đại phẫu, nhìn con ngủ tròn giấc, không có hạnh phúc nào hơn. Gia đình chỉ xin một lần gặp bác sĩ Trường cảm ơn mà vẫn chưa thể gặp mặt. Ân tình này, gia đình chúng tôi xin khắc ghi mãi”, chị Linh ôm đứa con bé bỏng vào lòng rơm rớm nước mắt hạnh phúc nói.