Hồi sinh một thiết chế văn hóa hơn 60 tuổi đời ở Thái Bình

NDO -

Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh Thái Bình từ lâu đã trở thành điểm đến thân quen của đông đảo người dân, nhất là học sinh, sinh viên... Thiết chế văn hóa hơn 60 năm tuổi một thời đứng trước nguy cơ bị di dời, nay hồi sinh với diện mạo mới.

Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh Thái Bình được xây mới với kinh phí hơn 70 tỷ đồng.
Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh Thái Bình được xây mới với kinh phí hơn 70 tỷ đồng.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thái Bình, đây là dự án trọng điểm của địa phương đến nay đã hoàn thiện và bắt đầu đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu thưởng thức cũng như nâng cao văn hóa đọc cho người dân.

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 70 tỷ đồng, diện tích xây dựng hơn 1.500 mét vuông gồm ba tầng, tổng diện tích sàn khoảng 4.500 mét vuông. Thư viện trang bị đồng bộ thiết bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu hoạt động trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Theo đó, tại đây thực hiện tin học hóa, tự động hóa các quá trình thông tin, thư viện theo hướng số hóa và liên kết mạng với các phòng tra cứu điện tử, phòng đọc cho người khiếm thị, phòng phục chế, không gian đọc báo, tạp chí, phòng hội thảo, kho đọc và tra cứu ngoại văn, kho dự trữ, kho sách cho xe thư viện lưu động…

Công trình sử dụng các vật liệu chống cháy hiện đại đang áp dụng phổ biến hiện nay, trong đó có trang bị hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler, hệ thống chữa cháy bằng khí FM-200 sử dụng cho các khu vực kho sách. Tại đây, còn sử dụng phương pháp hóa học, phòng chống mối mọt bằng hoạt chất…

Thư viện hoàn thành kết nối với vườn hoa Lê Quý Đôn, Đền liệt sĩ tạo nên một quần thể kiến trúc văn hóa hài hòa ngay giữa trung tâm thành phố Thái Bình, một đô thị đang từng bước hoàn thiện các tiêu chí để trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Nhưng cũng ít ai biết rằng, thiết chế văn hóa có tuổi đời hơn 60 năm này cách đây hơn bốn năm phải đối mặt với cảnh di dời, thuê địa điểm, thiếu nơi bảo quản sách báo, tư liệu đạt chuẩn.

Cũng thời điểm này, Nhân Dân điện tử có bài: Thiết chế văn hóa hơn 60 tuổi đời sắp bị di dời ở Thái Bình. Trong đó phản ánh một thời hoàng kim của Thư viện khoa học tổng hợp Thái Bình. Đây được biết đến là Thư viện điểm đầu tiên của miền bắc xã hội chủ nghĩa, đã được tôn vinh là thư viện điểm, thư viện kiểu mẫu của toàn miền bắc xét về quy mô hoạt động.

Hồi sinh một thiết chế văn hóa hơn 60 tuổi đời ở Thái Bình -0
 Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh Thái Bình đang lưu trữ, bảo quản hơn 230 nghìn bản sách, hơn 18 nghìn đơn vị báo.

Điều đáng ngạc nhiên là, trong xu thế bùng nổ thông tin như hiện nay, Thư viện vẫn hoạt động hiệu quả. Điều làm nên sức hút với các tầng lớp bạn đọc chính là cung cách phục vụ của Thư viện và thứ hai là ở Thái Bình vẫn giữ được văn hóa đọc ăn sâu trong tiềm thức người dân. Ngoài ra, trong những năm qua, Thư viện có nhiều cách làm sáng tạo, nổi bật là việc “Đem sách đi, không để một chỗ”, tức là luân chuyển sách xuống tất cả thư viện tuyến huyện, xã và bưu điện văn hóa xã; Phối hợp với các ban, ngành đưa sách tới trại tạm giam phạm nhân, các đồn biên phòng ven biển cho cán bộ, chiến sĩ; phối hợp với ngành giáo dục giới thiệu sách hè cho thiếu niên, nhi đồng…

Mặc dù ngân sách tỉnh cấp cho đơn vị không nhiều (chỉ khoảng hai tỷ đồng/năm), nhưng Thư viện vẫn đều đặn dành khoảng 200 triệu đồng/năm để mua sách, báo, tạp chí mới góp phần làm phong phú thêm nguồn tri thức, văn hóa đến bạn đọc xa gần.

Hiện tại, thư viện đang lưu trữ, bảo quản một số lượng sách, báo, tạp chí, tư liệu quý hiếm đồ sộ gồm hơn 230 nghìn bản sách, hơn 18 nghìn đơn vị báo. Trong đó, kho ngoại văn có hơn 12 nghìn bản sách tiếng Anh, Nga, Trung, Pháp, tiếng Hán và kho địa chí địa phương có hơn 7.000 tư liệu quý hiếm liên quan đến tỉnh Thái Bình được sưu tầm và bỏ kinh phí mua như các thần tích, thần sắc, hương ước, các luận án, luận văn…

Với vị trí quan trọng của mình trong dòng chảy tri thức, văn hóa, năm 2016 Thư viện đã từng nằm trong diện phải di dời đi nơi khác bởi chủ trương quy hoạch, chỉnh trang vườn hoa Lê Quý Đôn của tỉnh Thái Bình. Rất may mắn, việc làm này đã được dừng lại sau khi tỉnh nghiêm túc tiếp thu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, nhất là những người công tác trong ngành văn hóa và phản hồi của báo chí, dư luận để gìn giữ một thiết chế văn hóa hơn 60 tuổi đời.